BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Phước Ninh (DMC): Nhiều tiềm năng chưa được đầu tư khai thác

Cập nhật ngày: 25/06/2011 - 11:45

Xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu là 1 trong 25 xã của tỉnh được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong những năm qua, xã Phước Ninh đã được sự đầu tư tương đối đồng bộ, toàn diện của cấp trên. Hệ thống chính trị của địa phương vững mạnh, cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh so với một xã nông thôn. Nhưng so với tiêu chí của Chính phủ quy định thì hầu hết các hạng mục công trình, kết cấu hạ tầng chưa đạt chuẩn, cần đầu tư nâng cấp, mở rộng. Tiềm năng của xã rất lớn, nhưng chưa được khai thác có hiệu quả, phần lớn do thiếu nguồn vốn đầu tư.

Phước Ninh có diện tích tự nhiên hơn 4.000 ha, trong đó có hơn 200 ha rừng lịch sử - văn hoá; hơn 3.000 ha đất nông nghiệp; được quy hoạch là vùng trồng cây nguyên liệu mía cho 2 nhà máy đường với gần 2.000 ha. Hệ thống thuỷ lợi kênh mương 3 cấp và nội đồng hơn 22 km, nhưng mới chỉ “bê tông hoá” được hơn 10%, tưới cho gần 50% diện tích đất nông nghiệp. Hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng có tới hơn 70 tuyến, tổng chiều dài gần 140 km, nhưng mới “cứng hoá” được 10%; 2 tuyến đường liên xã đã nhựa hoá. Các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, chợ, trạm cấp nước… đều chưa đạt chuẩn quy định; hiện chỉ có duy nhất 1 trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia.

Nhà bia lịch sử anh hùng cách mạng xã Phước Ninh

Trên địa bàn xã hiện có tới 9 công ty TNHH, có 2 công ty 100% vốn nước ngoài đầu tư sản xuất, nhưng quy mô nhỏ, chỉ thu hút được gần 500 lao động tại chỗ. Lực lượng lao động của xã chiếm hơn 90% là lao động ở lĩnh vực nông nghiệp, số được đào tạo nghề rất ít. Trong khi đó người dân địa phương đã có các nghề truyền thống như làm nhang, đan lát, trồng rau an toàn v.v... Các nghề truyền thống này đang thu hút nhiều người quan tâm và đã hình thành quy mô “làng nghề”, nhưng còn thiếu vốn, thiếu phương tiện, và không có đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Dân số của xã có 2.337 hộ gia đình, hơn 8.000 người, hiện còn 27 hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 7,5 triệu đồng/năm. Tuy nhiên mức thu nhập này không ổn định, và có nguy cơ tụt xuống nếu giá cả nông sản tụt xuống thấp. Nguy cơ tái nghèo của những hộ không có nghề nghiệp ổn định, không có đất đai sản xuất là rất lớn, nếu không có sự đầu tư đúng mức của chính quyền và lòng quyết tâm vượt qua nghèo của chính người dân.

Tại xã Phước Ninh còn có một tiềm năng rất lớn nữa là có khu rừng lịch sử-văn hoá hay còn gọi là rừng “đặc dụng” hơn 200 ha, và hơn 5 km bờ hồ Dầu Tiếng. Đây là một tiềm năng rất lớn cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn; nhất là hiện nay Nhà nước đã đầu tư xây dựng khu nhà truyền thống cách mạng trong khuôn viên khu rừng “đặc dụng” này. Nhưng để khai thác được hiệu quả to lớn từ tiềm năng này, cần có sự đầu tư đồng bộ và với một khoản kinh phí không nhỏ, người dân và chính quyền xã Phước Ninh không thể “với” tới được. Lãnh đạo địa phương mong muốn việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần. Cũng giống các xã khác, lãnh đạo xã Phước Ninh băn khoăn về việc đào tạo, ưu đãi đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Phước Ninh là một xã có truyền thống cách mạng kiên cường, trong kháng chiến chống Mỹ, xã được phong tặng đơn vị Anh hùng LLVT. Trong xây dựng quê hương, Phước Ninh luôn là địa phương có các phong trào thi đua dẫn đầu toàn huyện, và là xã đầu tiên được công nhận danh hiệu “Xã Văn hoá” của huyện DMC. Vừa qua huyện còn chọn Phước Ninh tiếp tục làm điểm trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, cấp uỷ, chính quyền và người dân xã Phước Ninh cần được cấp trên hỗ trợ để phát huy được tiềm năng, thế mạnh và truyền thống của quê hương anh hùng.

KHẮC LUÂN