Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo phản ánh của người dân tại ấp Phước An, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, thời gian gần đây, trên địa bàn xã thường xuyên có mưa lớn gây ngập úng cục bộ, khiến hàng chục héc-ta cây sâu riêng đang giai đoạn trổ bông bị thối rễ rồi chết dần, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Người dân đắp bờ bao dọc theo tuyến suối Cầu Độn để hạn chế ngập úng.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn sầu riêng hơn 7 năm tuổi đang chết dần, ông Trần Văn Hùng (ngụ ấp Phước An, xã Phước Thạnh) xót xa cho biết, khoảng nửa tháng trước, khu đất vườn trồng sầu riêng của gia đình ông bị ngập sâu đến thắt lưng trong nhiều ngày liền. Sau khi nước rút, dù cố gắng chăm sóc nhưng hiện tại có hơn một nửa số cây trong vườn bị thối rễ, rụng lá chết.
Cùng nỗi lo như ông Hùng, ông Trần Văn Thắng (ngụ ấp Phước An) có hơn 50 gốc sầu riêng đã bị chết do ngập úng. Ông Thắng cho biết, thời điểm ngập úng xảy ra trong những ngày ảnh hưởng của cơn bão số 3, lượng mưa lớn, diễn ra liên tục mấy ngày liền nên các vườn cây ăn trái ở đây đều ngập hết, chỗ nhẹ nhất cũng đến đầu gối, riêng khu vực vườn trồng sầu riêng của gia đình ông nước ngập đến hơn 1,2 m. Hiện tại, vườn cây của gia đình ông bị rụng trái, chết khô hơn 50% số cây.
Theo ông Hùng, khu vực đất vườn của gia đình ông nằm cặp bên trái của suối Cầu Độn, mặc dù có địa hình thấp trũng nhưng bao giờ bị ngập như vừa qua, vì khi có mưa là nước sẽ đổ dồn hết xuống suối, nếu mưa nhiều chỉ ngập vài giờ là nước tiêu thoát hết xuống suối. Tuy nhiên, đợt mưa vừa qua, dòng suối như bị tắc nghẽn, nước dâng lên liên tục, khiến cả chục hecta cây trồng của ông và các hộ xung quanh chìm trong biển nước.
Nhiều cây sầu riêng bị thối rễ, rụng lá chết vì ngập.
Trong khi đó, theo ông Thắng, suối Cầu Đồn chảy qua khu vực này chính là tuyến kênh tiêu tự nhiên giúp tiêu thoát nước từ xã Bàu Đồn qua cầu Rạch Nho (quốc lộ 22B) đổ ra sông Vàm Cỏ Đông, vài năm trước, tuyến kênh này đã được cơ quan chức năng nạo vét. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, cơ quan chức năng chỉ làm được một đoạn từ Bàu Đồn đến gần cầu Đôi (đường Cây Da – Phước Thạnh) thì ngưng đến nay, khiến cho việc tiêu thoát nước của tuyến kênh này bị hạn chế.
Ông Trần Văn Hùng xót xa cây sầu riêng 7 năm tuổi bị chết vì ngập úng.
Ông Nguyễn Văn Chí– Trưởng ấp Phước An cho biết, qua thống kê ban đầu, đợt mưa vừa qua, trên địa bàn ấp có khoảng 8 ha cây ăn trái ven suối Cầu Độn bị ngập cục bộ. Trong đó, diện tích trồng sầu riêng của hai hộ Trần Văn Thắng và Trần Văn Hùng là thiệt hại nặng nhất, với hàng trăm cây sầu riêng đang thời kỳ cho trái bị chết. Để hạn chế tình trạng ngập úng trong thời gian tới, địa phương đang vận động người dân có đất canh tác ven suối tiến hành đắp bờ bao, hy vọng sẽ giảm bớt phần nào thiệt hại do mưa bão gây ra.
Theo ông Chí, những năm trước, dù trời mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập nhưng nước sẽ rút rất nhanh, ít gây thiệt hại cho người dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Chủ tịch UBND xã Phước Thạnh, cho biết: “Do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão, thời gian qua, trên địa bàn xã đã xuất hiện trận mưa lớn, kéo dài liên tục khiến nhiều khu vực trên địa bàn ngập. Qua công tác kiểm tra thực tế, UBND xã Phước Thạnh xác định được hơn 7 ha cây trồng tại khu vực ven suối Cầu Độn bị ngập nặng, trong đó, nhiều cây sầu riêng đang trong giai đoạn trổ bông, làm trái của người dân ấp Phước An bị ngập úng, dẫn đến thối rễ, rụng lá chết.
Vườn sầu riêng của gai đình ông Trần Văn Hùng chết gần hết vì ngập úng.
Theo ông Nghĩa, suối Cầu Độn (hay còn gọi là kênh Cầu Đôi) là tuyến kênh tưới, dẫn nước từ sông Vàm Cỏ Đông vào đến xã Bàu Đồn, đồng thời cũng là tuyến kênh tiêu phục vụ việc tiêu thoát nước khi có mưa lớn. Trong đó, khu vực ấp Phước An có địa hình thấp trũng, nên khi có mưa, nước đổ dồn về gây ngập úng cục bộ cho khu vực này.
Sau khi xảy ra tình trạng ngập úng vừa qua, UBND xã Phước Thạnh đã có văn bản báo cáo với cơ quan cấp trên. Trong đó, xã cũng đề nghị ngành thuỷ lợi tỉnh sớm tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy tuyến kênh Cầu Đôi, xây dựng tuyến đê bao dọc theo tuyến kênh phát triển thành tuyến đường giao thông nông thôn để người dân vận chuyển hàng hoá, giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Minh Dương