Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Để giữ vững danh hiệu “Xã văn hoá”, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá xã Phước Trạch” đã thông qua Kế hoạch phát động đăng ký giao ước thi đua giữ vững danh hiệu “Xã văn hoá”, xây dựng chợ vệ sinh, trật tự an toàn trong năm 2010.

Trong không khí cả nước chào mừng 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, ngày 1.9.2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Trạch (Gò Dầu) long trọng tổ chức lễ công nhận “Xã văn hoá”.
Phước Trạch là xã nông nghiệp, toàn xã có 2.081 hộ, với 8.324 nhân khẩu, phân bố đều trên 3 ấp, với tổng diện tích tự nhiên 1.127 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 82%. Từ năm 2009, xã Phước Trạch được Huyện uỷ Gò Dầu chọn làm điểm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Từ đó địa phương được cấp trên quan tâm đầu tư đồng bộ trên các lĩnh vực. Nhất là cơ sở hạ tầng như: Xây dựng mới trạm y tế; trạm cấp nước sạch tập trung; xây mới hai trường đạt chuẩn quốc gia; trụ sở làm việc của xã; nhựa hoá đoạn đường vào ấp Xóm Mía. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng.
![]() |
Bà Đặng Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở VH – TT & DL (bên phải) trao bằng công nhận “Xã văn hoá” cho Chủ tịch UBND xã Phước Trạch |
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân trong xã không ngừng được cải thiện. Số hộ khá giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo từng bước được kéo giảm. Hiện xã có trên 90% hộ dân có nhà kiên cố và bán kiên cố, không còn hộ nhà dột nát. Thực hiện chính sách hỗ trợ về vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất và hướng dẫn cách làm ăn, từ đó số hộ nghèo trong năm 2009 giảm đáng kể so với năm 2008. Cụ thể đến cuối năm 2009, xã còn 72 hộ nghèo, chiếm 3,74% dân số của xã (giảm đến 97 hộ so với năm 2008). Trên lĩnh vực văn hoá, xã có 3/3 ấp đều đạt và giữ vững danh hiệu “Ấp văn hoá”. Trong đó ấp Cây Nính giữ vững danh hiệu “Ấp văn hoá” 6 năm liền; 91,95% hộ dân trong xã được công nhận gia đình văn hoá. Trung tâm Văn hoá-Thể thao- Học tập cộng đồng được duy trì hoạt động và phục vụ tốt cho nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tập luyện thể thao, hội họp, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và mở các lớp tập huấn. Tủ sách của Trung tâm có hơn 1.000 đầu sách. Về giáo dục, năm 2009 xã có 4/4 trường học đạt danh hiệu tiên tiến. Dự kiến đến cuối năm 2010 xã có 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế từ năm 2006. Trong năm 2009, với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã đã đầu tư nâng cấp được 2 tuyến đường, với tổng chiều dài 1.963 mét. Nhân dân đóng góp ngày công, phương tiện vận chuyển đất đá giặm vá toàn bộ 29 tuyến đường trên địa bàn. Huyện Gò Dầu cũng đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để láng nhựa đoạn đường dài 760 mét. Từ đó đường làng ngõ xóm trong xã Phước Trạch được phong quang sạch đẹp, tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân đi lại và phát triển sản xuất, kinh doanh. Về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định. Xã tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu “4 giảm” của tỉnh đạt những kết quả khả quan. Năm 2009, xã được công nhận không có tệ nạn ma tuý, mại dâm, không có tội phạm.
Để giữ vững danh hiệu “Xã văn hoá”, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá xã Phước Trạch” đã thông qua Kế hoạch phát động đăng ký giao ước thi đua giữ vững danh hiệu “Xã văn hoá”, xây dựng chợ vệ sinh, trật tự an toàn trong năm 2010.
N.H