Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Xã Tân Thành: “Trẻ không giấy” vẫn được đến trường
2012-10-10 10:43:00

Từ nhiều năm nay, tình trạng Việt kiều Campuchia về sinh sống tự do trên địa bàn ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành, huyện Tân Châu đã gây không ít mối lo ngại cho chính quyền địa phương. Tính đến nay trên toàn xã Tân Thành có khoảng gần 200 hộ Việt kiều Campuchia sinh sống, trong đó chỉ một số rất ít hộ có được hộ khẩu và các giấy tờ thiết thân khác.

(BTN)- Từ nhiều năm nay, tình trạng Việt kiều Campuchia về sinh sống tự do trên địa bàn ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành, huyện Tân Châu đã gây không ít mối lo ngại cho chính quyền địa phương. Những xóm người sống tạm bợ ven khu vực hồ Dầu Tiếng làm phát sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, an ninh trật tự… Và một trong những điều đáng bận tâm nhất là chuyện nhiều trẻ em không được đến trường.

Tính đến nay trên toàn xã Tân Thành có khoảng gần 200 hộ Việt kiều Campuchia sinh sống, trong đó chỉ một số rất ít hộ có được hộ khẩu và các giấy tờ thiết thân khác. Còn lại đa số đều trong tình trạng “ở lậu”, không giấy tờ tuỳ thân, không đất đai và cũng không có việc làm ổn định. Số trẻ em của các hộ Việt kiều này là 113, trong đó có 69 em đang độ tuổi đến trường. Nhưng nhiều em không được học hành mà phải sớm làm việc để kiếm tiền phụ cha mẹ. Nhận thấy nguy cơ số đông các em sẽ lại rơi vào tình trạng mù chữ như cha mẹ chúng, chính quyền địa phương đã cố gắng tìm ra giải pháp để tháo gỡ vấn đề. Ông Bùi Văn Nhẫn - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND huyện và Phòng Giáo dục nhằm tạo điều kiện cho các em được đến trường, với điều kiện gia đình phải viết cam kết con em mình đủ tuổi đến trường và hiện đang cư ngụ tại địa phương”.

Một lớp học có đông trẻ Việt kiều của cô Lai.

Thầy Trần Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Kèn cho biết: Năm học này trường tiếp nhận gần 30 học sinh là con em các hộ Việt kiều đang sinh sống tại địa phương, trong đó có khoảng 21 em không có giấy khai sinh. Đây cũng là năm đầu tiên nhà trường tiếp nhận các em thuộc diện này (theo chỉ đạo của UBND huyện). Điều đáng mừng là mặc dù cuộc sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn, bởi đa số chỉ làm thuê, làm mướn nhưng bà con nơi đây rất có ý thức về việc học hành của con em mình.  Thầy Sơn vui vẻ kể: “Nhiều hộ gia đình Việt kiều đã chủ động tìm đến làm giấy cam kết để cho con mình được đến trường”.

Dạy trẻ em Việt kiều có phần khó khăn, trở ngại hơn so với dạy các em học sinh khác. Cô Nguyễn Đăng Thị Thi Lai, giáo viên lớp 1B- lớp có hơn 10 học sinh Việt kiều cho biết: Nhiều em không rành tiếng Việt, giáo viên phải kèm cặp nhiều hơn và phải tranh thủ những giờ nghỉ nói chuyện với các em để giúp các em luyện khả năng nói tiếng Việt. Thầy Sơn nói: “Những năm trước đây, tình trạng con em Việt kiều cũng làm chúng tôi đau đầu. Có em học được vài hôm lại theo gia đình đi Campuchia rồi lại về học tiếp. Các giáo viên phải rất cố gắng để giúp các em tiếp thu bài”.

Những đứa trẻ Việt kiều từ nay đỡ được nỗi lo thất học.

Việc những đứa trẻ con em Việt kiều từ Campuchia về được đi học là nỗi vui mừng không nhỏ của gia đình các em. Ông Trần Văn Ty, 64 tuổi, là ông nội của một em học sinh thuộc diện này bày tỏ: Gia đình ông sống lưu lạc nhiều năm trên đất bạn. 2 năm trước ông cùng với 8 người con trở về Việt Nam sinh sống và nhận thấy tuy cuộc sống ở quê nhà vẫn còn khó khăn nhưng đỡ hơn so với ở xứ người nhiều. Hiềm nỗi đến nay gia đình ông chưa ai có được giấy tờ tuỳ thân. Ông Ty không giấu được niềm vui khi thấy các cháu của mình nay được đến trường: “Mình lưu lạc nhiều năm trên nước bạn, hết đời mình lại đến con cái đều dốt chữ. Nên tôi nghĩ phải về để các cháu có điều kiện học hành, có như vậy mới mong khá hơn một chút. Tụi nhỏ được đi học như vầy, mừng lắm chứ”. Bà Nguyễn Thị Hoa, vợ ông xen vào: “Những người như chúng tôi cũng ao ước cho con cháu mình được đi học, được biết chữ lắm chứ. Chỉ vì cuộc sống khó khăn mà nhiều đứa phải chịu mù chữ”.

Việc những đứa trẻ Việt kiều không giấy khai sinh được đến trường xuất phát từ một cách giải quyết linh hoạt, có tình của các cấp chính quyền ở Tân Châu. Tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Ông Phó Chủ tịch xã Tân Thành vẫn rất băn khoăn: “Về lâu dài thì cách này không ổn. Do các em không có giấy tờ nên cũng sẽ không có hồ sơ hợp lệ để chuyển lên cấp học cao hơn. Với cách làm như hiện nay, chúng tôi chỉ có thể giúp các em thoát cảnh mù chữ mà thôi”.

Hiện nay, UBND xã Tân Thành đang tiến hành rà soát, kiểm tra các đối tượng Việt kiều đang sinh sống trên địa bàn để đề nghị lên trên cấp giấy tờ hợp pháp cho họ. Qua đó cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em thuộc các hộ gia đình này được học hành đàng hoàng, tới nơi tới chốn như bao trẻ em khác.

NGÔ TUYẾT

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan