BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Thạnh Đức anh hùng 

Cập nhật ngày: 25/09/2021 - 00:25

BTN - Kết thúc hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Thạnh Ðức được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Có ba cá nhân ở xã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng, đó là các liệt sĩ Trần Thị Sanh, Ngô Văn Triếu và Võ Thị Rậm.

Con đường Thạnh Ðức - Cầu Khởi.

Tôi cảm thấy tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương Thạnh Ðức giàu truyền thống cách mạng. Kết thúc hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Thạnh Ðức được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Có ba cá nhân ở xã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng, đó là các liệt sĩ Trần Thị Sanh, Ngô Văn Triếu và Võ Thị Rậm.

Phát huy truyền thống cách mạng, sau khi nước nhà độc lập, thống nhất, người dân Thạnh Ðức ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo của xã không ngừng đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Ðến nay, xã Thạnh Ðức được cấp trên công nhận đạt “Xã nông thôn mới”.

Từ những địa danh được đặt tên ấp...

Xã Thạnh Ðức (huyện Gò Dầu) có diện tích hơn 7.200 ha, được chia thành 10 ấp. Những năm gần đây, khi đi lại trên quốc lộ 22B, qua địa phận xã này, ai cũng thấy nhà cửa hai bên đường khang trang, cửa hàng, dịch vụ sung túc.

Rồi chợ, trường học, công ty được xây mới. Xa xa là những cánh rừng cao su rộng lớn. Nhưng chắc ít ai biết địa bàn xã này còn có một mặt tiếp giáp với dòng sông Vàm Cỏ Ðông, cùng các phụ lưu chảy qua.

Trước kia, nhiều khu vực trên địa bàn xã có bến sông, rạch, cánh đồng trũng ngập nước gọi là lung, rộc, bàu… Nhiều địa danh gắn liền với đặc điểm của từng khu vực, trong đó có những địa danh còn lưu truyền và được đặt tên cho các ấp hiện nay, như: Bến Chò, Bến Rộng, Bến Ðình, Bến Mương, Rộc A, Rộc B, Ðường Long, Cầu Sắt (2 ấp còn lại có tên Bông Trang và Trà Võ).

Một bậc cao niên ở đây cho biết, trên địa bàn xã có con rạch Bàu Nâu (phụ lưu sông Vàm Cỏ Ðông) chảy qua. Xưa kia, từ cửa rạch đi vào có các bến nước. Ðầu tiên là bến Bông Trang. Sở dĩ gọi là bến Bông Trang vì khu vực này có nhiều cây bông trang.

Sau này, “Bông Trang” được đặt tên ấp. Từ bến Bông Trang ngược về phía thượng nguồn qua cầu Bàu Nâu (cầu trên quốc lộ 22B bắc qua rạch Bàu Nâu) vài cây số, có một bến nước nữa. Bến này sâu và rộng.

Trên bến có nhiều cây chò, nên gọi bến Chò. Lâu dần, khu vực này thành địa danh “Bến Chò”. Xưa kia, khi giao thông đường bộ chưa phát triển, giao thông đường thuỷ chiếm ưu thế, thương thuyền ở các nơi đi trên sông Vàm Cỏ Ðông, vào rạch Bàu Nâu, đến bến Chò neo tàu, ghe lại buôn bán.

Cảnh buôn bán ở bến này lúc ấy khá sung túc. Ðã lâu lắm rồi bến Chò không còn ghe tàu neo đậu nữa. Những cây chò trên bến cũng không còn. Nhưng địa danh Bến Chò vẫn còn được nhiều người biết. Ở khu vực Bến Chò có ngôi đình cổ kính, được gọi là đình Bến Chò. Ngày nay, địa danh Bến Chò được dùng đặt tên ấp.

Tại khu vực Bến Chò, con rạch Bàu Nâu chia thành hai nhánh, một nhánh từ khu vực ấp Cầu Sắt chảy ra và một nhánh từ ấp Bến Rộng chảy xuống. Nhánh vào ấp Bến Rộng, ngày nay chỉ là dòng suối nhỏ, không thấy có dấu tích của bến ghe, bến nước gì cả.

Người xưa gọi khu vực đó là Bến Rộng, nay được đặt tên cho ấp. Còn nhánh từ hướng khu vực ấp Cầu Sắt chảy ra, dòng chảy giờ cũng nhỏ hẹp. Trong quá trình xâm lược nước ta, người Pháp đã thành lập các đồn điền cao su trên địa bàn xã Thạnh Ðức.

Ðể việc đi lại và vận chuyển mủ cao su thuận lợi, người Pháp mở đường và làm cầu sắt bắc qua hai nhánh của con rạch Bàu Nâu. Chiếc bắc qua rạch nhánh ở địa phận ấp Bến Rộng được gọi là cầu sắt ngoài. Còn chiếc bắc qua con rạch nhánh ở khu vực ấp Cầu Sắt, được gọi là cầu sắt trong. “Cầu Sắt” trở thành địa danh cho cả khu vực. Và địa danh “Cầu Sắt” cũng là tên ấp ngày nay.

Ðịa danh Bến Ðình, xuất phát từ một bến nước ở dòng sông Vàm Cỏ Ðông. Trên con đường từ quốc lộ 22B dẫn xuống bến sông và cách bến chừng vài trăm thước có ngôi đình làng cổ kính. Cái bến gần ngôi đình, nên được gọi là bến Ðình. Rồi địa danh “Bến Ðình” trở thành tên ấp. Gần bến Ðình có bến Mương. Ðây là bến nước của một con rạch nhỏ, như một cái mương, “Bến Mương” giờ cũng trở thành tên của một ấp.

Không bắt đầu bằng từ “Bến”, ở xã Thạnh Ðức còn có một địa danh chỉ có một từ, nhưng nghe qua là ai cũng hình dung được đó là vùng trũng sình lầy. Ðó là “Rộc”. Khu vực này có con rạch (phụ lưu sông Vàm Cỏ Ðông) chảy qua. Hai bên rạch là những cánh đồng sình trấp, bà con ở đây gọi là cái rộc. Và “Rộc” cũng là tên ấp ngày nay (sau này ấp Rộc được chia thành hai ấp là Rộc A và Rộc B).

Ở Thạnh Ðức xưa kia còn có một cánh đồng trũng quanh năm ngập nước. Trên cánh đồng này có một con đường đất đi ngang. Vào mùa mưa, khi qua cánh đồng, người ta phải long dưới nước mà đi, nên gọi “đường long”. Lâu ngày từ “Ðường Long” trở thành địa danh của khu vực. Ngày nay cánh đồng này không còn ngập nước, và tất nhiên cũng không còn tình trạng long dưới nước mà đi. Nhưng địa danh Ðường Long vẫn được duy trì. Còn lại là ấp Trà Võ, cũng có từ rất lâu đời. Nhưng khi hỏi vì sao có tên là “Trà Võ”, nhiều người dân ở đây không rõ.

Do có nhiều diện tích trồng cây cao su. Bên trong các vườn cao su có những con đường giao nhau, do đó, trên địa bàn xã Thạnh Ðức còn có những địa danh như ngã năm, ngã sáu Thạnh Ðức; đặc biệt có hai địa danh được nhắc đến nhiều trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đó là “Rừng Mười Sáu Mẫu” và “ngã bảy Cầu Sắt”…

Khu vực Rừng Mười Sáu Mẫu (thuộc địa bàn ấp Bến Rộng, giáp ấp Cầu Sắt) xưa kia là một cánh rừng rất rộng. Khi giặc Pháp đến xâm lược nước ta, để chiếm đất lập đồn điền cao su, người Pháp thuê mướn nhân công vào cánh rừng này khai phá một vùng đất rộng 16 mẫu để trồng cây cao su.

Sau đó, chủ đồn điền mở rộng dần diện tích đất trồng cao su và đặt tên “Cầu Sắt”. Trong kháng chiến chống Mỹ, khu Rừng Mười Sáu Mẫu là căn cứ địa cách mạng khá vững chắc của lực lượng vũ trang xã Thạnh Ðức và các lực lượng trên về lập căn cứ chiến đấu.

Ở Thạnh Ðức có một con đường nối từ quốc lộ 22B qua địa bàn xã đến xã Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu), đi ngang đồn điền cao su Cầu Sắt. Ở khu vực đồn điền Cầu Sắt có một giao lộ có đến 7 ngã đường, nên được gọi là khu Ngã Bảy Cầu Sắt.

Ngày nay, ở khu vực này không còn ngã bảy nữa; còn khu vực Rừng Mười Sáu Mẫu không còn rừng, mà được trồng cao su. Nhưng địa danh Rừng Mười Sáu Mẫu và Ngã Bảy Cầu Sắt được ghi nhận là nơi lực lượng vũ trang Tây Ninh lập được chiến công lớn.

Tập sách “Tiểu đoàn Mười Bốn Tây Ninh” (Bộ Chỉ huy Quân sự Tây Ninh xuất bản năm 1990) có đoạn: khi chuyển đến rừng Thạnh Ðức, Cầu Sắt, rừng Mười Sáu Mẫu, Tiểu đoàn 14 phân tán từng đại đội hoạt động lẻ, liên tục, tập kích vũ trang tuyên truyền, cùng cán bộ phong trào vận động nhân dân nổi dậy diệt ác phá kềm.

Kết quả hệ thống ấp chiến lược Trà Võ, Bông Trang, Bến Mương trên trục lộ 22 (Bắc Gò Dầu) và Trường Hoà (Nam Toà Thánh) bị tan rã… Tháng 9.1972, Tiểu đoàn phân công đại đội 1 kết hợp với du kích Thạnh Ðức, Cầu Sắt tập kích ấp chiến lược Trà Võ, phá văn phòng ấp, diệt 16 tên địch, thu 15 súng…

Quyển “Lịch sử lực lượng võ trang Tây Ninh (1954-1975)” (Ban Khoa học Lịch sử quân sự xuất bản) có nêu: “Sáng 18.10.1972, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 49, Sư đoàn 25 nguỵ chia làm 2 mũi tiến vào phía sau khu vực Ngã Bảy Cầu Sắt, với ý định chủ quan là sẽ bất ngờ tập kích phía sau Tiểu đoàn 14. Nhưng ngược lại, chúng đã lọt vào đội hình phục kích của ta.

Sau loạt đạn cối bắn cấp tập vào đội hình quân địch, các chiến sĩ ta lao lên khép kín vòng vây tiêu diệt từng tên, từng cụm. Máy bay trực thăng, phản lực của địch gầm rú điên loạn, nhưng không cứu được đồng bọn, pháo bắn hằng trăm quả nhưng không chính xác…

Trong trận đánh này, Tiểu đoàn 14 của ta đã xoá sổ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 49, Sư đoàn 25 nguỵ…”. Ðây là trận thắng lớn của ta. Trận Ngã Bảy Cầu Sắt đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ tác chiến hiệp đồng, trình độ kỹ thuật, chiến thuật và bản lĩnh chỉ huy, tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 14. Lần đầu tiên một tiểu đoàn chủ lực nguỵ bị lực lượng vũ trang Tây Ninh xoá sổ ngay bên cạnh đồn bót, trong vùng chúng kiểm soát…

Ðổi thay ở xã nông thôn mới

Phát huy truyền thống cách mạng, từ ngày giải phóng đến nay, người dân Thạnh Ðức ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Ðáng lưu ý là từ khi Nhà nước triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Thạnh Ðức thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của bà con nơi đây không ngừng được nâng cao.

Ðiều dễ nhận thấy nhất là hệ thống giao thông trên địa bàn xã. Những con “đường long”, “đường lội” nhỏ hẹp, sình lầy trước kia đi lại khó khăn, từng bước được thay thế bằng đường nhựa, đường bê tông, hoặc trải đá 0-4, cứng hoá bằng sỏi đỏ…

Theo lãnh đạo xã Thạnh Ðức, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến cuối năm 2020, xã đã hoàn thành đưa vào sử dụng 203 tuyến đường, với chiều dài gần 130km. Trong đó nhựa hoá 9 tuyến đường liên xã, với tổng chiều dài trên 11km; 20 tuyến đường trục ấp, liên ấp và 140 con đường ngõ xóm, với tổng chiều dài trên 90km đều được cứng hoá, không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa.

Ngoài ra, xã quan tâm mở rộng, nâng cấp 34 con đường trục chính nội đồng, bảo đảm vận chuyển nông sản, hàng hoá tiêu thụ quanh năm. Tổng kinh phí đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông thời gian qua trên 51,5 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp trên 3,5 tỷ đồng; phần còn lại là ngân sách Nhà nước đầu tư.

Hạ tầng giao thông ngày càng thuận tiện, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cửa hàng thương mại - dịch vụ phát triển, người lao động tìm được việc làm. Hằng năm, nhiều lao động trẻ được giới thiệu vào làm việc ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài địa bàn xã.

Có việc làm ổn định, thu nhập người dân ngày càng được nâng cao. Ðến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60,35 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo được kéo giảm, đến cuối năm 2020, xã còn dưới 1% hộ nghèo. Toàn xã có trên 6.000 căn nhà, trong đó có khoảng 10% nhà cấp 2, cấp 3. Số còn lại hầu hết nhà cấp 4 (tường gạch, mái tôn, hoặc mái ngói), không còn nhà tạm, nhà dột nát.

 Cơ sở vật chất văn hoá, trường học được chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng. Hiện trên địa bàn có 1 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông (Trường THPT Ngô Gia Tự), bảo đảm cho con em địa phương có điều kiện thuận tiện để học tập.

Trên địa bàn xã có Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng, với tổng diện tích trên 10.000m2. Trong đó khu Nhà văn hoá có 5 phòng chức năng, hội trường 250 chỗ ngồi và khu thể thao, gồm 1 sân bóng đá và 1 sân bóng chuyền.

Ngoài ra, trên địa bàn các ấp được ngành chức năng đầu tư xây dựng mới 6 điểm Nhà văn hoá Thể thao ấp và liên ấp. Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng xã và các nhà văn hoá ấp đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao vui chơi, giải trí lành mạnh cho người dân địa phương.

Ðược sự quan tâm đầu tư của cấp trên, cùng với quyết tâm phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, đến cuối năm 2020, xã Thạnh Ðức đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định. Thạnh Ðức- xã anh hùng trong cuộc kháng chiến vệ quốc, nay đã được công nhận xã nông thôn mới.

Ngọc Hân - Trần Nhã My