Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Xã Trường Đông: Bấp bênh nghề đan lát
Thứ hai: 10:48 ngày 22/08/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trường Đông được coi là “thủ phủ” của nghề đan lát: đan bồ, đan vỉ bánh tráng, đan cần xé, đan bội… nhưng nơi đây hầu như chưa từng có hợp tác xã ngành nghề.

Bà Tư Xuân với nghề đan bội

Trường Đông được coi là “thủ phủ” của nghề đan lát: đan bồ, đan vỉ bánh tráng, đan cần xé, đan bội… nhưng nơi đây hầu như chưa từng có hợp tác xã ngành nghề. Bà con làm nghề toàn phải “tự thân vận động” từ việc tìm nguồn nguyên vật liệu (trúc, tầm vông, mây) rồi tự tiêu thụ và phó mặc may rủi theo sự bấp bênh của thị trường.

Bà Phạm Thị Nhường 57 tuổi, sống cùng đứa cháu ngoại trong căn nhà đại đoàn kết ở ô 6, ấp Trường Lưu kể về công việc của mình: “Nghề đan bồ không khá được. Nhưng nhà nghèo thì phải chịu. Mùa nắng còn dễ mua nan, nan để lâu không bị hư mốc, hàng hút, giá cao. Mùa mưa thì gian nan rất nhiều, nan mua khó, bị mắc một cây mưa là mốc đen. Lái thì cứ nói nay hàng xuống giá, mai hàng tuột giá. Tui với đứa cháu ngoại, ngày đan mười tấm bồ xô (bồ thưa) chỉ kiếm được bốn mươi sáu ngàn đồng. Trừ tiền nan một nửa, còn một nửa cũng lo tương rau được. Chứ không làm sao có dư. Đứa cháu cũng học được hết lớp 7 nhưng tui tính cho nghỉ vì hổng có tiền”.

Bà Nhường là một trong những hộ nghèo, có hoàn cảnh neo đơn của xã Trường Đông. Cái nghề đan bồ bấp bênh, thu nhập quá ít không giúp hai bà cháu no ấm được.

Muốn tìm những hộ đan bội phải về ô 8, ấp Trường Lưu. Bà Tư Xuân là một trong những người đan bội lâu năm nhất ở đây. Trông vẻ ngoài trẻ hơn tuổi 60, nhưng bà Tư Xuân đã theo nghề hơn bốn chục năm nay. Hiện giờ mỗi ngày bà vừa chẻ vừa đan được hai chiếc bội loại lớn với giá cả… tuỳ chủ vựa, lúc cao nhất là 40.000 đồng/cái. Trừ chi phí nguyên vật liệu, coi như cũng còn “một lời một” (không tính công). Bà nói: “Đó là khi hàng đắt. Lúc ế thì phải xoay qua đan thứ khác như đan bồ ruột, chẻ nan mướn! Nghề đan lát ở xứ này tuy là nghề gia truyền nhưng bây giờ chỉ có người già và phụ nữ có con nhỏ ở nhà làm thôi. Thanh niên, đàn ông đều đi làm nghề khác hết. Chị Sáu, cô Ba, thím Út… hàng xóm của tôi trước cũng đan bội nhưng bây giờ nghỉ hết rồi. Đi lặt rau, rửa chén cho mấy bà thợ nấu có tiền hơn”.

Bà Sáu Hạnh ở Trường Đức cũng làm nghề đan bồ mấy chục năm qua, cho biết: “Hồi trước dễ mua nan, nan cũng rẻ. Còn bây giờ rất khó mua. Muốn có nan tốt, dày cơm thì phải ra miệt Giang Tân chỗ mấy vựa cần xé”.

Những hộ gia đình làm nghề đan lát ở Trường Đông phần đông có hoàn cảnh khó khăn, nghỉ làm một ngày là càng khó thêm một ngày nên cứ phải đeo bám nghề. Về Trường Đông đi qua bất cứ đường nhỏ ngõ hẹp nào cũng đều nghe tiếng lách cách của trúc, tre gióng vào sóng rựa. Một tấm bồ ruột đan khít 1m x 5m giá 20.000 đồng; bồ cật 1,1m x 5m giá 60.000 đồng. Vỉ bánh tráng loại 80cm x 2m giá 40.000 đồng nhưng không phải ai cũng đan được vì loại này thương lái rất kén hàng.

Trường Đông có nhiều vựa bồ: vựa Tám Liêm, vựa Năm Phụng, vựa Hai Đèo… Mỗi vựa có một cách giữ mối cho mình như cho mượn vốn để mua nguyên vật liệu, hoặc giao nan (gọi là đổ trúc) tận nhà cho các hộ làm rồi trả dần bằng sản phẩm. Trường hợp như vậy, các hộ làm ra sản phẩm phải chịu mức “chết giá” ban đầu cho dù sau đó giá hàng có tăng lên.

Cậu bé này suốt ngày cắm cúi đan để có được 12.000 đồng!

So với làng nghề chằm nón lá ở Ninh Sơn (Thị xã), nghề se nhang ở Long Thành Bắc (Hoà Thành), nghề lò rèn ở Lộc Trát (Trảng Bàng) thì nghề đan lát ở Trường Đông cũng đã có thâm niên đáng kể nhưng chưa có dấu hiệu mai một như nghề nón lá, nghề lò rèn. Điều mà người dân ở làng nghề đan lát xã Trường Đông đang rất cần là sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước để có được một định hướng đúng đắn cho sự phát triển của ngành nghề, giúp bà con có thể thoát khỏi cuộc sống bấp bênh bằng chính cái nghề truyền thống ngay tại địa phương mình.

LAM PHƯƠNG

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục