BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Truông Mít, Huyện Dương Minh Châu: Nông dân có xu hướng bỏ cây nhãn trồng cây sầu riêng  

Cập nhật ngày: 21/11/2021 - 18:27

BTNO - Có thể dễ dàng nhận thấy thực trạng này tại các cánh đồng thuộc địa bàn ấp Thuận Bình, Thuận An, Thuận Tân, Thuận Hòa. Cây nhãn dần nhường chỗ cho cây sầu riêng.

Cây sầu riêng (bên trái) dần thay thế cây nhãn.

Cũng có nông dân còn “nhát tay” nên trồng xen cây sầu riêng trên diện tích đất đã trồng cây nhãn lâu năm. Trong khi, nhiều bà con quyết định bỏ hẳn cây nhãn, trồng cây sầu riêng. Thậm chí, không ít người sẵn sàng từ bỏ trồng cây lúa nước và đậu phộng hằng năm để đào mương đắp bồn đất cao trồng sầu riêng.

Thực tế, có nhiều đám sầu riêng được trồng chưa lâu nằm chơ vơ giữa cánh đồng đất lúa đang ngập nước. Người quan sát không khỏi lo lắng cho “số phận” của những đám sầu riêng này. Bởi sầu riêng là một loại cây trồng “kén” đất, không phải loại đất nào cây cũng sinh trưởng và phát triển tốt, kỵ ngập nước.

Một nông dân có đất nông nghiệp cặp kênh N4 (ấp Thuận Bình) chia sẻ, “trái nhãn vốn có giá bán bấp bênh, nhất là trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua thì người trồng nhãn lỗ nặng. Dịch bệnh có nguy cơ kéo dài, dù sao giá bán đầu ra của trái sầu riêng luôn cao hơn trái nhãn nên tôi quyết định bỏ nhãn trồng sầu riêng. Hơn nữa, đây là xu hướng chung của nhiều bà con tại địa phương. Riêng việc cây sầu riêng có phù hợp với vùng đất này hay không thì chưa biết, trước mắt tôi thấy cây vẫn phát triển bình thường”.

Chặt cây nhãn để trồng sầu riêng.

Phần lớn diện tích đất trồng sầu riêng trên địa bàn xã Truông Mít hiện nay chưa cho trái. Tức là bà con đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng loạt mà chưa biết trước kết quả sẽ ra sao, lợi ích về mặt kinh tế có bảo đảm lâu dài và bền vững hay không. Trong khi, cây sầu riêng từ khi trồng cho đến khi thu hoạch phải mất thời gian khoảng 5 năm, vốn đầu tư là không nhỏ.

Cách nay khoảng 6 năm, ông Đ.V.Đ đã chuyển đổi gần 2 hecta đất nông nghiệp đang trồng lúa (tại ấp Thuận Bình) sang trồng cây vú sữa Lò Rèn, 4 năm sau khi trồng cây vú sữa cho thu hoạch, hiện nay cây vú sữa bị chết trên 70%, ông Đ đã chặt bỏ hoàn toàn diện tích cây vú sữa Lò Rèn để trồng cây sầu riêng.

Rõ ràng, nếu người dân không có đánh giá đúng về việc chọn giống cây trồng phù hợp với vùng đất thì nguy cơ bị thiệt hại về kinh tế là rất lớn, mất thời gian, công sức, lãng phí tư liệu sản xuất trong suốt một khoảng thời gian dài.

Một khóm sầu riêng giữa cánh đồng đất lúa.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng liên quan cần khảo sát vùng đất này xem có thích hợp để trồng cây sầu riêng hay không, đưa ra khuyến cáo hoặc định hướng đúng cho người dân, trách gây thiệt hại về kinh tế, bảo vệ vùng đất lúa hiện hữu.

Quốc Sơn