BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xác định 5 khu vực rừng có nguy cơ cháy cao cần bảo vệ

Cập nhật ngày: 10/03/2015 - 06:21

Đó là khu vực dọc hành lang biên giới Việt Nam-Campuchia, hai bên đường 791 từ Đồn biên phòng 833 thuộc xã Tân Bình đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát, thuộc đối tượng rừng khộp (RIIa) tại các tiểu khu 17 đến 21 thuộc Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (huyện Tân Biên); khu vực 2 gồm các tiểu khu 4, 7, 10, 11, 12, 13 thuộc khu rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc (dạng rừng gỗ xen le, trảng cỏ);

Khu vực 3 nằm dọc hành lang biên giới Việt Nam-Campuchia, hai bên đường 792 gồm các tiểu khu 32, 37, 44, 47, 48, 49, 50, 58, 59 phía Bắc thượng nguồn hồ Dầu Tiếng (thuộc dạng rừng gỗ, rừng khoanh nuôi tái sinh xen le, cỏ tranh, cỏ mỹ); khu vực 4 thuộc rừng trồng tập trung tại các xã Tân Thành, Tân Hòa, Suối Bà Chiêm, Suối Đá của khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng; Khu vực 5 là núi Bà Đen, thuộc khu rừng Văn hóa- Lịch sử núi Bà.

Bản đồ vệ tinh theo dõi các điểm nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 5.369 ha rừng khoanh nuôi tái sinh cũng cần quan tâm bảo vệ, bởi các khu vực này gần khu dân cư, dễ xảy ra cháy lan. Bao gồm: rừng trồng nằm rải rác tại các xã Phước Vinh, Hòa Thạnh, Hòa Hội, Ninh Điền (huyện Châu Thành); Long Phước (huyện Bến Cầu); Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu).

Đối với các khu vực trọng điểm kể trên, tỉnh Tây Ninh đã tăng cường lực lượng chuyên nghiệp từ 50 đến 70 người, thường xuyên phân công trực canh phòng ngày đêm; đồng thời phối hợp với lực lượng hỗ trợ tại chỗ (từ 30 người đến 140 người) bao gồm các hộ dân hợp đồng nhận khoán trồng, bảo vệ rừng; dân quân các xã có rừng; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các đơn vị đóng quân trên địa bàn… sẵn sàng phối hợp chữa cháy khẩn trương, kịp thời, có hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) khi có xảy ra cháy lớn.

Theo ông Tạ Văn Đáo- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, nhờ chủ động làm tốt công tác phòng chống cháy rừng ngay từ đầu mùa khô năm nay, như xử lý thực bì, phát hoang, làm đường băng cản lửa, đốt chủ động; tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên báo động cấp độ rừng đến các đơn vị chủ rừng và người dân địa phương; đồng thời chú trọng công tác tuần tra, canh gát, trực bảo vệ rừng… nên từ đầu mùa khô đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra.

Lê Đức Hoảnh