Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xác định trọng tâm, trọng điểm phát triển du lịch
Thứ bảy: 06:35 ngày 22/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, khi đã xác định được trọng tâm, trọng điểm, “mũi nhọn” và định hướng để PTDL, tỉnh sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế để đưa ngành du lịch tỉnh nhà trở thành một trong những lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương.

Múa rồng nhang trong dịp lễ vía Đức chí tôn đạo Cao Đài Tây Ninh (mùng 9.1 âm lịch hằng năm) thu hút đông đảo du khách đến xem. Ảnh: Hà Thế Bảo

Vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, nhóm công tác phát triển du lịch (PTDL) tỉnh - do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc làm nhóm trưởng đã đi khảo sát một số tỉnh, thành phố về phát triển du lịch như Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, Lào Cai, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Sau chuyến đi, nhóm công tác PTDL đã đúc kết một số kinh nghiệm làm cơ sở xây dựng kế hoạch, tạo bước đột phá PTDL tỉnh nhà giai đoạn 2017-2020. 

Ông Nguyễn Hồng Thanh- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, đầu tiên, để PTDL, cần xác định, lựa chọn đúng lĩnh vực, nội dung trọng tâm làm “mũi nhọn” tạo bước đột phá. Cơ sở xác định, lựa chọn “mũi nhọn” đối với dự án PTDL phải bảo đảm các yếu tố: nơi thu hút (có sức thu hút) khách du lịch; tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị du lịch; là tâm điểm tạo sự lan toả, mang tính dẫn dắt phát triển chung. Chẳng hạn như Đà Nẵng chọn Bà Nà Hill; Quảng Nam chọn Hội An, Mỹ Sơn; Lào Cai chọn Sapa, Fansipan; Vĩnh Phúc chọn Tam Đảo; Phú Thọ chọn Đền Hùng… làm điểm trọng tâm phát triển du lịch.

Kế đến, phải xác định, tạo ra được những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương. Trong đó, tập trung khai thác các yếu tố mang tính riêng biệt, phát huy tối đa giá trị di tích, văn hoá (vật thể, phi vật thể, lễ hội tiêu biểu) được công nhận để thu hút du khách.

Xây dựng và phát huy văn hoá cộng đồng (làng nghề truyền thống, vùng dân tộc tôn giáo đặc sắc…), xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch (hình thành một số sự kiện văn hoá, thể thao đặc sắc; hình thành, khai thác đặc trưng nghệ thuật, ẩm thực,  hàng hoá, sản phẩm lưu niệm của địa phương…

Thứ ba, cần đầu tư phát triển hạ tầng du lịch hợp lý, khoa học, tập trung như: kết nối hạ tầng đồng bộ giữa các điểm du lịch chính. Phát triển đồng bộ hệ thống thương mại - dịch vụ, cơ sở lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí. Thiết lập đầy đủ, khoa học, hợp lý hệ thống biển báo, chỉ dẫn về du lịch…

Thứ tư, cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung vào những vấn đề trọng tâm như xây dựng và hoàn thiện website, cổng thông tin chuyên đề về du lịch; xây dựng hệ thống du lịch thông minh (hệ thống wifi miễn phí, hệ thống số hoá điểm du lịch); hình thành trung tâm thông tin, xúc tiến du lịch; xây dựng các ấn phẩm quảng bá về du lịch; xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; thực hiện bài bản, triển khai sâu rộng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Thứ năm, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch. Tách bạch rõ chức năng quản lý Nhà nước của Ban Quản lý khu di tích (đơn vị sự nghiệp) và doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Cơ quan Nhà nước phải làm tốt công tác quản lý Nhà nước về du lịch như bảo đảm cảnh quan, môi trường tại các khu, điểm du lịch luôn sạch sẽ, không có ăn xin, không có người bán vé số, không có hiện tượng chèo kéo khách, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, giá cả được niêm yết công khai….

Cần phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính xúc tiến đầu tư (hạn chế quyết định tập thể). Ưu đãi về đất đai, thuế đối với các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, năng lực, đầu tư lớn. Không chia nhỏ lẻ dự án đầu tư.

Thứ sáu, kêu gọi và lựa chọn được các nhà đầu tư chiến lược có khả năng triển khai dự án trọng điểm, tạo điều kiện dẫn dắt phát triển.

Thứ bảy, kết nối và xác định rõ trách nhiệm PTDL. Trong đó, chú trọng xây dựng, kết nối các đơn vị lữ hành; tạo điều kiện hình thành đơn vị lữ hành của địa phương chuyên nghiệp (làm cầu nối). Kết nối đồng bộ, chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị phát triển du lịch (phát triển đồng bộ, không để tự phát).

Mỗi địa phương phải xây dựng, hình thành điểm du lịch đặc trưng để kết nối hệ thống du lịch chung, tạo sự đa dạng phong phú về sản phẩm du lịch.

Hãng thông tấn nước ngoài làm phim về bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.

Cuối cùng, cần đào tạo, chuẩn hoá và phát triển nguồn nhân lực du lịch, như đào tạo, chuẩn hoá, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu về du lịch (ở cơ quan quản lý Nhà nước); đào tạo, phát triển đội ngũ quản trị du lịch (trong doanh nghiệp); tạo tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch; đào tạo cán bộ, nhân viên trực tiếp phục vụ hoạt động du lịch (ở doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm du lịch); xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp; chú trọng nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Theo lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, khi đã xác định được trọng tâm, trọng điểm, “mũi nhọn” và định hướng để PTDL, tỉnh sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế để đưa ngành du lịch tỉnh nhà trở thành một trong những lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương.

HOÀNG THI

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục