Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ. Mỗi năm vẫn còn hàng nghìn trẻ tử vong do đuối nước và tai nạn giao thông hoặc bị bỏ rơi.
Các em học sinh tham gia chương trình Diễn đàn trẻ em với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.
Ngày 6.8 vừa qua, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em. Ðây là lần đầu tiên hội nghị toàn quốc về trẻ em được tổ chức quy mô lớn, với sự tham gia của 18.000 đại biểu đến từ 675 điểm cầu trực tuyến các cấp từ cơ sở đến Trung ương.
Ðiều đó thể hiện sự quan tâm, quyết liệt của Chính phủ đối với công tác trẻ em. Hội nghị đã tập trung đánh giá thực trạng xâm hại trẻ em, phân tích nguyên nhân bất cập và đưa ra giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng
Thứ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, mỗi năm trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.
Những hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện và xử lý, do vậy, có thể nói, con số nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng.
Ba năm gần đây, số lượng vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý ở Việt Nam có giảm nhưng không nhiều, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nạn nhân bị xâm hại xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những trẻ tuổi mầm non.
Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức. Trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng có xu hướng tăng nhanh. Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%; người quen, hàng xóm là 59,9%; các đối tượng khác là 12,6%...
Ước tính khoảng 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhận xét: “Không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết, thậm chí bị xâm hại cả về thể xác và tinh thần.
Có 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện, được đưa vào số liệu thống kê, nhưng còn biết bao nhiêu trường hợp khác, còn biết bao nhiêu hành vi ứng xử với trẻ được coi là bình thường nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Ðiều đau lòng là không ít trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, hàng xóm ngược đãi, xâm hại ”.
Diễn đàn trẻ em với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” thu hút nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia.
Nhiều hạn chế, bất cập
Phân tích về các hạn chế, Thứ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, công tác trẻ em còn gặp nhiều khó khăn bởi các nguyên nhân: môi trường sống xuất hiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn, lành mạnh, làm gia tăng hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Môi trường thông tin và mạng xã hội có nhiều sản phẩm độc hại, trò chơi trực tuyến, phim ảnh có tính chất bạo lực, khiêu dâm không phù hợp với trẻ em.
Sự xuống cấp đạo đức, tha hoá, biến chất về lối sống của một bộ phận người dân trong xã hội làm gia tăng tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo vệ, phòng ngừa, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chưa quyết liệt, chưa kịp thời và chưa thường xuyên.
Ðội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã chưa được xác định, phân công theo quy định của Luật Trẻ em, hoặc có nhưng không ổn định, năng lực hạn chế do chưa được tập huấn, đào tạo cơ bản.
Một số địa phương nêu ý kiến, hiện nay, số vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tăng và thể hiện tính chất phức tạp. Phần lớn các vụ xâm hại được phát hiện xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, gia đình nghèo, nơi trẻ em ít được trông coi. Nhận thức của gia đình về trách nhiệm bảo vệ trẻ em còn kém.
Nhiều vụ việc, gia đình của nạn nhân không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ và gia đình. Do đó, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Luật sư Ngân Giang (Hà Nội) cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến vấn nạn xâm hại trẻ em chưa được đẩy lùi. Hiện quy định pháp luật liên quan đến trẻ em chưa được hoàn thiện, tạo ra kẽ hở lớn cho kẻ xấu lợi dụng, lách luật, chưa đủ sức răn đe.
Có nhiều vụ tố cáo liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, chưa thoả đáng, quá trình xét xử còn kéo dài, làm nhân lên nỗi đau, sự mặc cảm của gia đình nạn nhân, dẫn đến bức xúc trong xã hội, nạn nhân thiếu niềm tin vào công lý, không dám và không muốn lên tiếng.
Nhiều bậc cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng, chưa được hỗ trợ tư vấn pháp lý nên lúng túng trong xử trí, thu thập chứng cứ và tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến các cơ quan chức năng.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Ðoàn Luật sư TP.HCM) nêu ý kiến tại hội nghị rằng, khi có tin tố giác đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, sự việc được cơ quan chức năng xử lý chậm và quá trình thu thập bằng chứng kéo dài. Việc lấy lời khai trẻ em được tiến hành nhiều lần, làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, dẫn đến lời khai thiếu nhất quán, mâu thuẫn.
Luật sư Ngọc Nữ kiến nghị, cần có quy định riêng về cách thức và số lần lấy lời khai người bị hại là trẻ em. Quy trình tố tụng cần nhanh chóng, thuận tiện, thân thiện trong việc thu thập chứng cứ với các tội xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, cần tăng mức hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em. Ðối với tội danh cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em mà có nhiều tình tiết tăng nặng, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em cần bổ sung hình phạt thật nặng.
Một học sinh đặt câu hỏi về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em tại diễn đàn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.
Bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ hằng ngày
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời; còn nhiều vụ việc, xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn, có vụ việc xử lý chưa nghiêm.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi công tác bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ hằng ngày của từng gia đình, địa phương và mọi cấp bộ, ngành- nhất là trong bối cảnh hiện nay. Các bậc cha mẹ, thành viên gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình.
Thủ tướng khẳng định, bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ. Mỗi năm vẫn còn hàng nghìn trẻ tử vong do đuối nước và tai nạn giao thông hoặc bị bỏ rơi. Chính vì vậy, quan tâm, chăm sóc bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài.
Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ, được sống an toàn của trẻ em. Có biện pháp tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Thủ tướng yêu cầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em. UBND cấp xã cần bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em.
THẾ ANH