Sau cuộc họp bàn chiều ngày 14.7, Tổ giám sát liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tạm thời chưa giảm giá lẻ đối với các mặt hàng xăng, dầu. Đổi lại, doanh nghiệp phải "trả" cho ngân sách 1.000 đồng mỗi lít xăng và trích một khoản cho quỹ bình ổn.
Từ đầu năm giá xăng đã 5 lần được điều chỉnh |
Sau khi cân nhắc xu hướng vận hành giá thế giới, thực tế lỗ lãi của các doanh nghiệp, Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định chưa giảm giá bán lẻ đối với các mặt hàng xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải trích khoản tiền 1.000 đồng cho mỗi lít xăng. Bộ Tài chính bắt đầu "truy thu" khoản này từ tháng 10.2008 để trả nợ cho ngân sách Nhà nước và tạm ngừng thu trong gần nửa năm qua do giá thế giới biến động và doanh nghiệp than lỗ.
Sau khi trích 1.000 đồng mỗi lít xăng mà doanh nghiệp vẫn còn lãi thì sẽ tính đến việc trích tiếp một khoản tiền nhất định để bổ sung vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quỹ này được Liên bộ Tài chính - Công Thương thành lập từ cuối năm 2008, tuy nhiên, do giá thế giới liên tục giữ ở mức cao nên quỹ chưa có ngân sách để hoạt động.
Ngoài ra, Liên bộ Tài chính - Công thương cũng theo dõi sát diễn biến thị trường nếu giá thế giới tiếp tục giảm sẽ có văn bản yêu cầu giảm giá bán đối với mặt hàng xăng dầu nào mà doanh nghiệp đang lãi. Sau khi giảm giá vẫn còn dư địa thì sẽ tăng thuế nhập khẩu theo công thức đã công bố.
Như vậy, tạm thời xăng A92 vẫn giữ giá 14.200 đồng một lít, xăng A95 giá 14.700. Dầu hoả có giá 13.650 đồng, dầu mazut giá 10.500 đồng và dầu diezel giá 12.100 đồng mỗi lít.
Chốt phiên giao dịch chiều tối 14.7, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô giao tháng 8 tiếp tục giảm nhẹ và vận hành quanh ngưỡng dưới 60 USD một thùng. Tại thị trường Singapore - nơi cung cấp nguồn hàng chủ yếu cho các doanh nghiệp VN, trong hơn 13 ngày qua, giá liên tục giảm mạnh. Kinh doanh xăng dầu đã hoà vốn và bắt đầu có lãi, song mức lãi bao nhiêu chưa được doanh nghiệp công bố.
(Theo VNE)