Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xăng dầu giảm hơn 50%, hàng hoá, dịch vụ vẫn “án binh bất động”
Thứ sáu: 23:49 ngày 29/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - So với cùng kỳ năm 2019, hiện giá mặt hàng thiết yếu này đã giảm hơn 50%. Điều này làm nhiều người dân cảm thấy phấn khởi vì đỡ áp lực về chi tiêu. Tuy nhiên, một thực tế trái ngược đang diễn ra là nhiều mặt hàng dịch vụ, hàng hoá chẳng những không giảm mà còn tăng hơn trước.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh.

Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá xăng dầu trên thế giới liên tục xuống thấp. Tại nước ta, giá xăng dầu đã trải qua 9 kỳ điều chỉnh, trong đó có đến 8 lần điều chỉnh giảm, với tổng mức giảm hơn 10.000 đồng/lít.

So với cùng kỳ năm 2019, hiện giá mặt hàng thiết yếu này đã giảm hơn 50%. Điều này làm nhiều người dân cảm thấy phấn khởi vì đỡ áp lực về chi tiêu. Tuy nhiên, một thực tế trái ngược đang diễn ra là nhiều mặt hàng dịch vụ, hàng hoá chẳng những không giảm mà còn tăng hơn trước.

GIÁ CẢ HÀNG HOÁ “CÓ TĂNG KHÔNG CÓ GIẢM”

Hiện nay, mức giá xăng dầu rẻ hơn gần 10.000 đồng/lít so với cùng kỳ năm 2019 nhưng các mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, thực phẩm... vẫn giữ giá hoặc tăng. Đây là một nghịch lý, bởi gần như đã thành quy luật là trước đây, khi xăng dầu tăng giá thì hầu như tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ đều tăng theo. Mới đây, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng hai lần liên tiếp khiến nhiều người lo ngại giá cả nhiều mặt hàng sẽ “té nước theo mưa”, đặc biệt là giá thịt heo có thể sẽ tiếp tục tăng.

Theo tìm hiểu của người viết, giá thịt heo mảnh tại các chợ lớn trong tỉnh có giá bán lẻ lên đến khoảng 270.000 đồng/kg đối với thịt ba rọi rút sườn, thịt nạc giá trên 150.000 đồng/kg. Giá heo hơi đã trên 90.000 đồng/ kg, số lượng thịt cung ứng về các chợ cũng không dồi dào nên giá thịt khó lòng giảm.

Ông Nguyễn Thành Thúc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, mặc dù dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh được khống chế từ đầu năm 2020 và nhiều cơ sở chăn nuôi đã tái đàn, tăng đàn heo nhưng nguồn cung heo thịt trên địa bàn chỉ bằng 50% so với trước, đã đẩy giá heo hơi lên cao.

Trong khi đó, do tâm lý người dân thích dùng thịt tươi chứ không thích thịt đông lạnh, nên dù tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích bán heo đông lạnh có giá bình ổn, rẻ hơn ngoài chợ nhưng không có nhiều người lựa chọn.

GIÁ CƯỚC VẬN TẢI KHÔNG GIẢM

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian qua. Trong đó, hoạt động vận tải mà đặc biệt là vận tải hành khách phải ngừng hoạt động và chỉ mới hoạt động trở lại từ đầu tháng 5.2020. Nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tính đến chuyện giảm giá cước vận chuyển dù giá xăng dầu đã giảm từ lâu.

Ông Nguyễn Thanh Tài- Giám đốc Công ty TNHH MTV Đồng Phước Tây Ninh cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng hành khách trên các chuyến vận tải của đơn vị này giảm đến hơn 50%, nhất là trong tháng 4 vừa qua, cả nước thực hiện giãn cách xã hội nên toàn bộ hoạt động của công ty bị gián đoạn. Các hoạt động đã trở lại bình thường nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa có lãi dù giá xăng dầu có xuống thấp, công ty chưa tính đến phương án giảm giá cước.

Còn theo một doanh nghiệp kinh doanh vận tải khác, giá xăng dầu đang có xu hướng tăng trong khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên doanh nghiệp này quyết định giữ giá cước ổn định, nếu trong thời gian khoảng 1-2 tháng tới, tình hình kinh doanh ổn định trở lại và giá xăng dầu không tăng thì doanh nghiệp này mới tính đến việc giảm giá cước.

Ông Hồ Ngọc Thới- Trưởng Phòng Quản lý vận tải và phương tiện người lái (thuộc Sở Giao thông Vận tải) cho biết, theo quy định thì giá cước vận tải được các doanh nghiệp vận tải xây dựng trên cơ sở cân đối chi phí vận hành và khấu hao phương tiện, sau đó trình Sở Giao thông Vận tải xét duyệt.

Sở chỉ khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh giá hợp lý theo thị trường chứ không thể can thiệp, yêu cầu các doanh nghiệp tăng hoặc giảm giá cước. Cũng theo ông Thới, có 2 nguyên nhân khiến giá cước vận tải trên địa bàn tỉnh đến nay không giảm.

Đó là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên các hãng kinh doanh vận tải chỉ hoạt động cầm chừng trong tháng 3 và tháng 5 với lượng hành khách suy giảm gần một nửa. Tháng 4 vừa qua, tất cả hoạt động vận tải hành khách đều tạm ngưng nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp này. Do trong hai kỳ điều chỉnh gần nhất, mặt hàng xăng dầu đang có xu hướng tăng nên phía Sở chưa đưa ra văn bản khuyến khích giảm giá.

Còn theo ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương, hàng hoá người dân kinh doanh tại các chợ hay các cơ sở ăn uống không thuộc các mặt hàng có đăng ký giá với cơ quan quản lý nhà nước, nên pháp luật không có chế tài bắt buộc họ giảm giá được.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục