Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian dài khiến nhiều nhà thầu công trình “méo mặt” vì giá vật liệu đầu vào tăng đột biến so với thời điểm đấu thầu, ảnh hưởng lớn đến thi công dự án, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị giãn, chậm.
Xăng dầu tăng giá ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình (ảnh minh hoạ).
LĨNH VỰC ĐẦU TƯ CÔNG: CHỦ ĐẦU TƯ VÀ NHÀ THẦU ĐỀU GẶP KHÓ
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh cho biết, đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ nhiều dự án giao thông đường bộ trọng điểm của tỉnh, có vốn đầu tư cao. Thời gian gần đây, giá xăng, dầu tăng liên tục quả thật là một bài toán nan giải đối với nhà thầu và cả chủ đầu tư dự án.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh, giá dầu tăng đột biến khiến các nhà thầu có tâm lý vừa thi công vừa chờ giá nguyên liệu xuống. Có những nhà thầu cố tình thi công “kéo dài”, Ban Quản lý dự án phải mời họp thường xuyên yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, động viên các nhà thầu vượt qua khó khăn chung. Riêng vấn đề bù giá, theo quy định hiện nay, chủ đầu tư không thể bù giá cho nhà thầu do hợp đồng đã ký kết.
Một nhà thầu thi công công trình giao thông đường bộ chia sẻ, việc tham gia đấu thầu và lựa chọn thầu của chủ đầu tư đã công khai mức giá vào thời điểm mở thầu dự án. Việc giá nguyên liệu xăng dầu tăng cao thời gian qua đều nằm ngoài sự tính toán của nhà thầu khi tham gia đấu thầu.
Giá xăng, dầu tăng làm tăng chi phí đất, đá, cát sỏi, đồng thời đẩy chi phí vận chuyển các loại vật liệu tăng cao (ảnh minh hoạ) .
GIẢI NGÂN CHƯA ĐẠT TIẾN ĐỘ
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông cho biết, luỹ kế giá trị giải ngân vốn năm 2022 đến ngày 13.6 là 371.308/994.567 triệu đồng, đạt 37,25%, thấp so với kế hoạch. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ thi công tại một số công trình giao thông bị ảnh hưởng do một số hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng (dự án đường giao thông ĐT.794, ĐT.795, Đất Sét - Bến Củi, ĐT.782 - ĐT.784). Bên cạnh đó, nguồn cung ứng vật tư rất hạn chế, do tình hình thế giới diễn biến phức tạp; hợp đồng thi công xây dựng đều theo đơn giá cố định, vì vậy nhà thầu gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng công trình.
Một khó khăn khách quan nữa là thời tiết năm nay mưa đến sớm, lượng mưa nhiều hơn các năm trước (từ tháng 3.2022) làm việc triển khai thi công mở rộng nền đường và thảm bê tông nhựa mặt đường không thuận lợi; khó khăn về thủ tục, pháp lý do chưa có các hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28.1.2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy việc giải ngân thời gian qua còn chậm.
Không riêng gì với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng gặp khó khăn trong công tác giải ngân. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến hết tháng 5.2022 là 44,857 tỷ đồng, đạt 22,31% so với kế hoạch được giao.
Giải ngân vốn đầu tư công các dự án gặp khó khăn do giá vật liệu xây dựng công trình biến động, một số nhà thầu chưa đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án đầu tư công còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Do đó trong thời gian tới, đơn vị sẽ đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, tập trung giải ngân nguồn vốn năm 2022 bảo đảm đạt kế hoạch đề ra.
Thế Nhân