BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xanh miền ký ức Phước Vinh 

Cập nhật ngày: 12/07/2017 - 06:48

BTN - Người Phước Vinh thường tự hào rằng miền đất quê mình nằm kẹp giữa sông Vàm Cỏ Đông và rạch Sóc Om, chi lưu lớn nhất của sông. Rạch ôm sát sườn Đông xã lên tận cầu Cần Đăng thị trấn Tân Biên. Phía Tây và Nam là dòng Vàm Cỏ Đông chạy tới vàm Trảng Trâu lại rẽ làm hai nhánh, một lên Hoà Hiệp và chảy dọc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Phước Vinh, bên tả ngạn sông Vàm.

Khoảng tháng 5.2017, Báo Tây Ninh có đưa tin rằng Phước Vinh vừa được công nhận xã văn hoá nông thôn mới. Vậy là cứ mong chờ được lên xem gương mặt văn hoá của nông thôn mới Phước Vinh.

Vậy mà đến rồi, ngang tắt những nẻo đường xuyên xã vẫn chỉ thấy hiếm hoi những màu sắc tường sơn, ngói đỏ. Qua cầu sông Vịnh, nhìn sang mé phải thấy vài túp nhà cao cẳng mọc ở thềm sông, mái tôn vẹo xiêu, gỉ sét, vách vá chằng đụp những bao bố nylon.

May mà cảnh quan sông nước nên thơ, bên lúa bên tràm vàng phủ lên sự nghèo nàn một màu lãng mạn. Con đường 788 bê tông nhựa êm ái mượt mà xuyên dọc xã vẫn là công trình đẹp nhất nhưng đến Phước Vinh cũng đành “ăn theo” sự lam lũ của quê nghèo. Chợ Phước Vinh rộng, có cả nhà lồng và dãy phố “Shophouse” liền kề cũng đã vương màu bụi đỏ.

Đất đỏ từ nền chợ theo các bánh xe máy, xe lôi lên cả mặt đường, làm mờ những vạch sơn trắng biểu tượng văn minh đô thị. Đến ngã tư trung tâm xã thênh thang thì màu đen bóng của con đường vẫn còn nhoà nhạt dưới bụi hồng. Phần lề đường qua trung tâm rộng rãi, chắc là theo quy hoạch xã nông thôn mới để đón chờ những công trình tầm cỡ lên cao.

Hiện tại, có thể đếm trên bàn tay những nhà mái ngói. Đấy là trụ sở UBND xã, trạm y tế và Trường THCS xã Phước Vinh… cùng một vài ngôi nhà dân ở góc ngã tư đường. Nhưng Trạm y tế đẹp thế, nhà trệt mái ngói tường vôi xanh lơ, mặt bằng chữ U như một vòng tay dang ra đầy thân thiện ấy lại khá vắng người.

Cổng ngõ khang trang chỉ bật lên màu những băng-rôn tươi đỏ kêu gọi người dân hưởng ứng các chương trình hành động như an toàn thực phẩm, rèn luyện thể lực hoặc cho trẻ em đến uống Vitamin A. Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Học tập cộng đồng vào đầu hè cũng vắng.

Lối mòn đi vào lớp học vi tính của Phan Thành Thương loang đầy những cỏ. Lớp học miễn phí của anh hôm ấy chỉ có duy nhất một học sinh khuyết tật. Trường THCS hai tầng, mái dốc ngói đỏ tươi vì đúng dịp nghỉ hè nên chỉ còn màu hoa phượng nở cười rạng rỡ.

Người Phước Vinh thường tự hào rằng miền đất quê mình nằm kẹp giữa sông Vàm Cỏ Đông và rạch Sóc Om, chi lưu lớn nhất của sông. Rạch ôm sát sườn Đông xã lên tận cầu Cần Đăng thị trấn Tân Biên. Phía Tây và Nam là dòng Vàm Cỏ Đông chạy tới vàm Trảng Trâu lại rẽ làm hai nhánh, một lên Hoà Hiệp và chảy dọc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Vậy mà cả hai triền sông này cho đến nay vẫn còn hoang vắng. Bên phía Sóc Om (sông Vịnh) chỉ thấy miên man những cánh rừng cao su, thay cho tre gai dằng dặc đôi bờ ngày trước. Bên sông chính Vàm Cỏ Đông cũng chỉ thấy lác đác vài mái nhà trên các bến Trung Dân, Cây Ổi, Băng Dung...

Còn lại là rừng chồi xen lẫn rẫy mì, cao su và lúa. Lâu lâu mới gặp một chiếc lều vó lênh khênh bên bờ nước. Ai đã từng đi theo đường 788 lên Lò Gò, chắc nhớ đồi Thơ. Nơi ấy mấy năm nay tưởng đã mọc lên một nhà máy mới. Anh Hiệp- Phó Chủ tịch xã cho biết đấy là nhà máy cồn của Công ty TNHH Đăng Nguyên, cũng “ì ạch lắm” bởi chủ đầu tư có lẽ không đủ nguồn lực, nên chẳng biết bao giờ mới khánh thành! Cũng nhờ công trường xây nhà máy mà có thêm một quán cà phê ở đỉnh đồi Thơ.

Ai đã từng theo bộ đội Biên phòng đồn Trảng Trâu tuần phòng một chuyến dọc sông Vàm, có lẽ nhớ cảm giác sững sờ trước những dải rừng ven sông của Phước Vinh lừng lững cao thâm soi bóng nước.

Rừng còn miên man trên dải đất phía Bắc giáp giới xã Hoà Hiệp, huyệnTân Biên. Nghĩa là không chỉ có sông dài mà Phước Vinh còn những khoảng rừng nguyên sinh dày rậm. Dù ngày nay, cả xã chỉ còn 735 ha, bằng 1/3 của 30 năm trước. Năm 1985, sách Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh ghi nhận xã mình còn tới 2.186 ha rừng, trên tổng số 7.423 ha đất tự nhiên.

Nhiều người Tây Ninh và cả nước đến nay vẫn hát bài Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt. Nhưng chắc không nhiều người biết đến cái địa danh Trảng Cồng trong bài ca ấy lại nằm ở Phước Vinh- miền đất kẹp giữa hai sông. Trảng Cồng nay thuộc về ấp 1, chon von giữa những dải rừng phía Bắc.

Xin thưa ngay, rằng cái trảng có những cây cồng ấy đã nằm trong những vườn rừng cao su ngút ngát, chạy dài từ bến Lon sang xã An Cơ. Mười mấy năm về trước, từ bàu Huỷnh của An Cơ muốn sang Phước Vinh phải đi bằng con phà vuông bé tẹo, nay thì có thể ngồi xe hơi phóng vụt qua nhờ có cây cầu bê tông bề thế nối đôi bờ.

Bài ca Lên Ngàn của Hoàng Việt được viết năm 1952 sau trận lũ Nhâm Thìn lịch sử; thì đến thời kháng chiến chống Mỹ, lớp học đầu tiên của cách mạng cũng được “gieo trồng” trên cùng miền đất này đây. Thầy và trò ngôi trường đầu tiên được mang tên anh hùng liệt sĩ Hoàng Lê Kha, ai mà chẳng nhớ đến miền đất sinh thành có tên Tà Păng đã in sâu vào trí nhớ.

Chính là trong hội nghị đầu năm 1961 của Tỉnh uỷ Tây Ninh mà vấn đề tập hợp và nuôi dạy con em cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đang tham gia kháng chiến hoặc đã hy sinh được bàn và quyết định. Đội Ca vũ thiếu nhi Tây Ninh được ra đời. Sau đó, được sự gợi ý của Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh: “Các em phải ngưng phục vụ, phải bắt đầu đi học lại…”.

Vậy là đến quý III. 1962, Trường Hoàng Lê Kha được ra đời. Căn cứ đầu tiên được xây dựng tại “Chót Lò Quyên, Xóm Chùa, xã Tà Păng” (Truyền thống và hồi ký Trường Hoàng Lê Kha 1962-1975, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản năm 2017).

Cái tên “Chót Lò Quyên” ấy, trong sách Truyền thống xã Phước Vinh ghi là Chót Lô Viêng, chắc học sinh toàn các em tuổi 9- 10 đọc trại ra cho dễ nhớ. Chỉ có hơn 3 năm sống và học tập ở Tà-Păng- Phước Vinh, bây giờ nhiều người trong số họ đã trưởng thành, giữ nhiều cương vị quan trọng ở Trung ương hoặc các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ.

Trong dòng hồi ức của họ chắc vẫn không thể quên những tên xóm mạc và người dân Tà-Păng từng đùm bọc, yêu thương mình. Những địa danh như Cây Ổi, Băng Dung, Cây Sao hay Thâm Thái, Lồ Cồ, Rạch Tre, Đồi Thơ vẫn nằm trong ký ức một thời gian khổ nhưng cũng tươi tắn nhất.

Ông Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai, cựu học sinh của Trường Hoàng Lê Kha (1962- 1964) viết: “Để vượt qua được những tháng ngày truân chuyên đó, giáo viên và học sinh trường Hoàng Lê Kha còn nhận được sự giúp đỡ, nuôi nấng, chở che của đồng bào nơi đây… Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của chú Hùng, người đã vì học sinh, vì nhà trường mà hy sinh tính mạng của mình khi đang trên đường đi tiếp liệu cho trường ở bến Cây Ổi…”.

Còn ông Nguyễn Hoàng Hoá- nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Tây Ninh, cựu giáo viên Trường Hoàng Lê Kha lại nhớ về tết trung thu năm 1965 tại Đồi Thơ (nay thuộc ấp Phước Hoà). Trung thu năm ấy, trường được Bác Hồ và Bác Tôn viết thư riêng thăm hỏi và động viên các cháu. Thư đề ngày 25.9.1965.

Trung thu ấy trong ký ức ông Tám Hoá: “Đồng bào ngoài Thị xã gửi cho mấy thùng bánh trung thu. Ăn cỗ dưới trăng rằm len lỏi qua kẽ lá, được nghe đọc thư Bác Hồ, Bác Tôn thì hạnh phúc nào bằng…”.

Còn bao nhiêu kỷ niệm son sắt ở Tà Păng, trong lòng những người từng đến, từng đi qua và ở lại?

TRẦN VŨ