Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Là một trong những địa phương xây dựng mô hình ấp thông minh trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành đã triển khai sâu rộng về công tác chuyển đổi số, mang lại nhiều tiện ích thiết thực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Người dân xã Trường Đông thu hoạch trái tắc.
Xây dựng mô hình “Ấp thông minh”
Mới đây, xã Trường Đông được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Trước đó, UBND xã đã chọn ấp Trường Lưu để triển khai mô hình ấp nông thôn mới thông minh. Đến nay, trên địa bàn ấp có hạ tầng internet cáp quang và thông tin di động 4G/5G bao phủ đến các hộ gia đình.
Ông Lê Văn Biểu- Trưởng ấp Trường Lưu chia sẻ: “Ban đầu, khi người dân chưa quen, địa phương cũng mất khá nhiều thời gian để tuyên truyền, hướng dẫn, hiện bà con đã hoàn toàn đồng tình, ủng hộ và rất nhiệt tình xây dựng mô hình ấp thông minh”.
Ông Trần Văn Liêm, người dân ấp Trường Lưu cho biết: “Tôi thường xuyên cập nhật các thông tin về sản xuất nông nghiệp trên trang web của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, thông tin về dự báo thời tiết, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, lịch điều tiết nước, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, dự báo giá nông sản… đều có trên trang web này. Các thông tin hữu ích này từ tỉnh đưa xuống, rồi huyện, xã, ấp chia sẻ đến từng tài khoản Zalo của nông dân một cách nhanh chóng, chính xác”.
Đến nay, cán bộ ấp đã ứng dụng các nền tảng số để thông tin, tuyên truyền đến người dân trong ấp. Địa phương đã triển khai, hướng dẫn cho các tổ trưởng tổ tự quản, cán bộ ấp gồm bí thư chi bộ, trưởng ấp, ấp đội và các chi hội, đoàn thể ấp cài đặt ứng dụng Tây Ninh Smart và nhóm Zalo thuộc ấp Trường Lưu. Hiện nay, xã đã thành lập được 4 nhóm Zalo gồm: nhóm các tổ tự quản, nhóm chi bộ ấp, nhóm các tổ công nghệ số cộng đồng và nhóm họ đạo Trường Lưu.
Trên địa bàn có 74 hộ sản xuất kinh doanh có giấy phép và 158 hộ sản xuất kinh doanh cá thể thuộc chợ Trường Lưu được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng quảng bá, giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, các nền tảng số (Zalo, Facebook, YouTube...), kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, thanh toán trực tuyến...
Có 1.529 người trưởng thành thuộc ấp Trường Lưu có tài khoản thanh toán trực tuyến có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin, học phí.
Ông Trần Văn Nấng- Bí thư ấp Năm Trại cho biết, địa phương đang tích cực tuyên truyền người dân tham gia chuyển đổi số, hướng dẫn người dân đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 và dùng ứng dụng của các ngân hàng để thanh toán không dùng tiền mặt. Việc chuyển đổi số rất thuận tiện cho người dân. Chẳng hạn như khi làm hồ sơ xác nhận nơi cư trú, chỉ cần ngồi ở nhà làm và gửi online, sau đó đến Công an xã lấy kết quả, không phải mất thời gian đến viết tay điền phiếu rồi chờ đợi như trước đây.
Ông Lê Văn Biểu cho biết thêm: “Từ ngày triển khai chuyển đổi số, thực hiện mô hình ấp thông minh, sau những khó khăn ban đầu, công việc ở ấp trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều. Không chỉ vậy, phong cách làm việc cũng mới mẻ, hiện đại hơn; hiệu quả công việc cũng tăng lên nhiều lần”.
Việc xây dựng mô hình “ấp thông minh” là cơ sở để hình thành nền tảng công nghệ số phục vụ triển khai các giải pháp dịch vụ nông thôn thông minh, giúp cán bộ chính quyền và người dân tiếp cận và sử dụng các giải pháp dịch vụ dựa trên tiến bộ ứng dụng khoa học và công nghệ, kỹ thuật số, vận dụng phương pháp tổ chức điều hành quản lý sáng tạo… để xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, ổn định chính trị gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững dựa trên các thế mạnh và cơ hội của từng địa phương.
Người dân thu hoạch nhãn ở xã Trường Đông.
Hướng đến xây dựng xã nông thôn thông minh
Thời gian qua, xã Trường Đông cơ bản giải quyết đồng bộ các vấn đề người dân quan tâm đó là: hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch; sản xuất phát triển, xã hội nông thôn ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ, ý thức hầu hết người dân được nâng cao hơn về mọi mặt, cuộc sống sung túc hơn; trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh toàn diện, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi khởi sắc.
Việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo là một trong những nội dung quan trọng góp phần hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chính vì thế trong thời gian qua, các đoàn thể phối hợp Ban quản lý ấp hỗ trợ các hộ gia đình tiếp cận với các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia để nhân dân có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giới thiệu và giải quyết việc làm.
Ông Dương Văn Ư- Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành cho biết, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu không chỉ dừng lại ở việc giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn, mà cần tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng theo yêu cầu của Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn tiếp theo. Trước mắt là phải triển khai thực hiện hiệu quả mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo kế hoạch của UBND Thị xã.
Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành đề nghị Đảng bộ, chính quyền xã Trường Đông tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm như: đầu tư nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định Bộ tiêu chí; thường xuyên theo dõi, giám sát chất lượng các công trình, kịp thời đề xuất, bố trí vốn và vận động nhân dân đóng góp để có nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp công trình trên địa bàn.
Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với cơ cấu lại nông nghiệp và chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm duy trì đạt tiêu chí thu nhập hằng năm. Mạnh dạn xây dựng những mô hình mới, tạo hướng đột phá trong phát triển nông nghiệp, trong đó cần quan tâm củng cố, hỗ trợ các tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn hoạt động có hiệu quả.
Tiếp tục phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Hoà Thành chung sức xây dựng nông thôn mới”, thực hiện nếp sống văn hoá mới ở nông thôn.
Nhi Trần