BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng chợ Thạnh Đông xã Thạnh Tân, thị xã: Giải pháp nào để người dân đồng thuận ?

Cập nhật ngày: 20/09/2013 - 11:26
Mặt bằng chợ Thạnh Đông hiện đã có chủ sử dụng, việc giải toả mặt bằng để xây dựng ngôi chợ mới đang làm cho các hộ dân nơi đây băn khoăn, lo lắng…

Chợ Thạnh Đông quá hẹp và xập xệ

(BTN) - Chợ Thạnh Đông (người dân quen gọi chợ Khe Đon) thuộc xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh, là ngôi chợ tự phát hình thành trên khu đất trống (đất công) rộng khoảng 1.000m2. Sau khi có chợ, một số hộ dân đến bao chiếm cất chòi làm ki ốt tạm bợ ở xung quanh, khoảng trống còn lại là nơi họp chợ.

Qua thời gian, nhiều hộ sang nhượng mặt bằng và ki ốt cho người khác, một số hộ xây dựng nhà tường vừa để ở vừa làm nơi buôn bán. Việc sang nhượng và xây dựng đều không có phép tắc gì cả. Đến nay, xung quanh khu chợ có 25 hộ cất nhà ở, được chính quyền cho đăng ký và cấp biển số nhà. Từ năm 2010 trở về trước, UBND xã Thạnh Tân có thu tiền thuê mặt bằng của các hộ dân cất nhà xung quanh với mức 1.000 đồng/m2/năm; những hộ cất sạp ở giữa thì mức thu là 2.000 đồng/m2/năm.

Khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Thạnh Tân chọn chợ Thạnh Trung để xây dựng làm chợ trung tâm, còn chợ Thạnh Đông quy mô quá nhỏ nên không được chọn đầu tư mà áp dụng phương thức xã hội hoá. Để được UBND tỉnh giao đất xây dựng chợ, UBND xã Thạnh Tân chọn phương án thành lập HTX chợ Thạnh Đông. Đến nay hồ sơ đã hoàn chỉnh, đang chờ UBND tỉnh ban hành Quyết định giao đất cho HTX chợ Thạnh Đông để tiến hành xây dựng.

Tuy nhiên, mặt bằng chợ Thạnh Đông hiện đã có chủ sử dụng, việc giải toả mặt bằng để xây dựng ngôi chợ mới đang làm cho các hộ dân nơi đây băn khoăn, lo lắng, vì có thông tin cho rằng các hộ cất nhà ở xung quanh chợ phải tự di dời, ai muốn ở lại thì phải đăng ký và nộp từ 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng để được nhận một ki ốt khi chợ mới được xây dựng xong.

Về vấn đề này, ông Lâm Hoàng Trong- Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho biết: “Hầu hết số hộ dân ở khu vực chợ đều là hộ nghèo, xã đã có kế hoạch di dời giải toả mặt bằng có đền bù tài sản trên đất theo quy định của pháp luật; những người có nhu cầu sẽ được góp vốn với HTX chợ và được nhận lại ki ốt mới. Tuy nhiên đến nay xã chưa tổ chức họp dân để thông báo và cùng bàn bạc đi đến thống nhất, khi nào UBND tỉnh có quyết định giao đất mới tiến hành họp dân”.

Khu vực Khe Đon là một vị trí khá thuận lợi về giao thông, thương mại, có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên việc xây dựng tại đây một ngôi chợ khang trang là rất cần thiết. Tuy nhiên, chọn vị trí chợ cũ để xây dựng chợ mới với diện tích quá hẹp thì không xứng tầm và chắc chắn sẽ quá tải.

Trong khi đó, sát bên chợ hiện tại còn một bàu đất trống khá rộng- khoảng hơn 5.000m2 và xã Thạnh Tân đã quy hoạch bàu đất trống này làm chợ đầu mối vào năm 2020. Nên chăng, chợ mới nên chuyển sang vị trí bàu đất công còn bỏ trống khá rộng rãi này, để khuôn viên chợ cũ sử dụng vào mục đích khác thì sẽ có lợi hơn rất nhiều, vì trước sau gì chợ đầu mối cũng được xây dựng tại đây. Làm như vậy vừa hợp lòng dân, vừa tiết kiệm nguồn vốn, tiết kiệm quỹ đất và tạo cho khu vực này một điểm nhấn về thương mại và du lịch.

Còn hiện tại, để khắc phục tình trạng lầy lội, nhếch nhác của chợ, chỉ cần nâng cấp nền chợ cũ, làm nhà lồng tạm thời, vận động các hộ dân tự nâng cấp nhà, chòi (ki ốt) xung quanh chợ cho sạch sẽ, chờ chợ mới xây dựng xong sẽ chuyển đến, giao mặt bằng cho xã. Đây cũng là nguyện vọng của nhiều người dân nơi đây.

KHẮC LUÂN