Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường
Thứ sáu: 07:48 ngày 10/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 1.12.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2447/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Hệ thống xử lý nước thải của một doanh nghiệp.

Tây Ninh là một trong những cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng giữa Việt Nam với các nước láng giềng Campuchia và các nước ASEAN. Tây Ninh cũng là tỉnh có vị trí quan trọng trong giao lưu trao đổi hàng hoá giữa các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh phát triển tương đối toàn diện và liên tục.

Đặc biệt, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển vững chắc. Tỉnh có 2 khu kinh tế (Mộc Bài và Xa Mát); 6 khu công nghiệp/khu chế xuất (KCN Trảng Bàng, KCN Phước Đông - Bời Lời, KCN Thành Thành Công, KCN Chà Là, KCN TMTC, KCN&CX Linh Trung) và 5 cụm công nghiệp (CCN Tân Hội 1, CCN Thanh Xuân 1, CCN Hoà Hội, CCN Ninh Điền và CCN Bến Kéo) đang hoạt động và đang triển khai xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có trên 150 nhà máy chế biến nông sản như: đường, khoai mì, mủ cao su và hạt điều.

Song hành với sự phát triển công nghiệp, vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường có chiều hướng gia tăng. Nguồn gây ô nhiễm chính là các nguồn thải công nghiệp đã qua xử lý và nước thải sinh hoạt của các khu dân cư đang sinh sống trên lưu vực sông, kênh, rạch chưa được xử lý thải trực tiếp vào nguồn nước do hiện nay tất cả các khu đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Ngoài ra, các hoạt động như chăn nuôi, trồng trọt… cũng gây tác động đến chất lượng môi trường.

Dưới sức ép của tăng trưởng dân số và sự chuyển đổi nền kinh tế, Tây Ninh cũng như nhiều tỉnh trên cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và môi trường.

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các dữ liệu về tài nguyên và môi trường phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý trên địa bàn tỉnh chưa được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu thống nhất, chỉ được lưu trên các văn bản giấy hoặc dạng file (*.doc, .xls...).

Việc lưu trữ riêng rẽ, thiếu tính hệ thống dẫn đến trùng lặp nội dung hoặc thiếu nhất quán về thông tin được lưu trữ cũng như gây khó khăn trong việc thu thập, cập nhật, quản lý và chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên và thực hiện các quy định tại Quyết định số 2178/QĐ-TTg ngày 21.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương”, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020... ngày 1.12.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2447/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 (Đề án).

Việc triển khai thực hiện Đề án sẽ mang lại hiệu quả trong việc tích hợp thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường và các cơ sở dữ liệu khác nhằm làm gia tăng giá trị của thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác hiệu quả; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước tiến tới giảm lượng hồ sơ giấy phát sinh và chuyển dần sang dữ liệu dạng số.

Mặt khác, việc triển khai thực hiện đề án còn góp phần bảo đảm cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường được xây dựng đồng bộ, đầy đủ và xuyên suốt thống nhất tạo nền tảng cho triển khai chính quyền điện tử và đô thị thông minh theo chủ trương của tỉnh; chia sẻ, kết nối dữ liệu với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và tích hợp vào Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đây cũng là cơ sở để hằng năm ngành Tài nguyên và Môi trường chủ động xây dựng kế hoạch cập nhật, thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, quan trắc, biến đổi khí hậu, khí tượng thuỷ văn, địa chất khoáng sản, đa dạng sinh học, tài nguyên nước... tạo thành “Kho tư liệu ngành tài nguyên và môi trường” đúng theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14.6.2017 của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường và các quy định có liên quan khác.

Thực hiện Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 24.10.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường và Quyết định số 2178/QĐ-TTg ngày 21.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.

Kết quả đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu khai thác, sử dụng tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản; xây dựng bổ sung chức năng cho hệ thống tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc tự động, liên tục; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường; xây dựng ứng dụng trên hệ điều hành Android và IOS; trang bị thiết bị chuyên dùng để vận hành hệ thống.

Trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ triển khai các nhiệm vụ tiếp theo của Đề án là xây dựng bổ sung các cơ sở dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường; chuẩn hoá các cơ sở dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu ngành Tài nguyên và Môi trường đã được xây dựng; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; trang bị hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác vận hành cơ sở dữ liệu; tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện.

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục