Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng điểm dân cư nông thôn để hạn chế việc “xẻ thịt” đất nông nghiệp
Thứ sáu: 01:04 ngày 14/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ lợi nhuận khủng của việc tách thửa, bán nền đất tại các khu vực vùng ven dẫn đến tình trạng đất nông nghiệp bị các đầu nậu lùng sục mua và “xẻ thịt”, gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch, đất đai tại các địa phương.

Một khu đất nông nghiệp được phân thành từng lô có diện tích 1.000m2 đúng quy định Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 27.7.2020 của UBND tỉnh được rao bán trên mạng xã hội Facebook.

Nhà ở nông thôn-vấn đề cần quan tâm

Một chủ tịch UBND cấp xã cho biết, việc tách thửa đất, địa phương căn cứ vào Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 27.7.2020 của UBND tỉnh ban hành quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh (theo quy định đất nông nghiệp ở cấp xã sau khi tách, mỗi thửa có diện tích tối thiểu 1.000m2).

Thời gian qua, không chỉ đất nông nghiệp mà đất phù hợp với quy hoạch đất ở cũng được giới đầu nậu “dòm ngó”, trong đó có việc tách thửa đất ở vùng nông thôn và xây nhà "đồng phục" để rao bán.

Điều 56 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3.3.2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau: “Đối với công trình được miễn giấy phép xây dựng, nội dung quản lý trật tự xây dựng gồm: kiểm tra sự đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, sự tuân thủ của việc xây dựng với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành hoặc quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt và quy định của pháp luật có liên quan; kiểm tra sự phù hợp của việc xây dựng với các nội dung, thông số chủ yếu của thiết kế đã được thẩm định đối với trường hợp thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định”.

Trước khi Nghị định này có hiệu lực, việc quản lý trật tự đối với công trình miễn giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 2 Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30.6.2016 của Bộ Xây dựng “Nội dung quản lý trật tự xây dựng đối với các công trình được miễn giấy phép xây dựng là kiểm tra sự tuân thủ quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị (nếu có) hoặc Quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc. Đối với trường hợp thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thì nội dung quản lý xây dựng là kiểm tra sự tuân thủ thiết kế đã được thẩm định và các quy định của pháp luật có liên quan”.

Ngoài ra, việc thiết kế, thi công nhà ở riêng lẻ phải bảo đảm các điều kiện theo quy định, tuỳ vào quy mô, diện tích, số tầng. Việc quản lý xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng là căn cứ vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (như giao thông, thuỷ lợi…) và các quy định của pháp luật liên quan, kiểm tra sự phù hợp của việc xây dựng với các nội dung của hồ sơ thiết kế. Do đó, địa phương cần tăng cường việc quản lý trật tự xây dựng, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm.

Xây dựng điểm dân cư nông thôn để hạn chế hình thành các khu dân cư tự phát

Theo Báo cáo số 39/BC-HĐND ngày 3.12.2021 về kết quả giám sát công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, Tây Ninh đã phê duyệt đồng bộ và phủ kín 100% quy hoạch chung đô thị đối với 9/9 đô thị hiện hữu, 100% quy hoạch phân khu khu vực đô thị hiện hữu.

Các phường, trục đường chính trên địa bàn Thành phố và trung tâm thị trấn các huyện trên địa bàn tỉnh cũng được phê duyệt quy hoạch chi tiết đô thị từ năm 1999 đến năm 2005, còn lại thực hiện theo quy chế quản lý kiến trúc, cơ bản đáp ứng yêu cầu về quản lý, hướng đến phê duyệt đồng bộ và phủ kín quy hoạch đô thị trên địa bàn.

Toàn tỉnh có 71 xã được lập quy hoạch chung xây dựng xã thời kỳ quy hoạch đến năm 2020. Sau khi các đồ án quy hoạch được phê duyệt, các địa phương công bố công khai với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị; phổ biến trên đài truyền thanh cấp huyện, trạm truyền thanh cấp xã; lắp đặt pa-nô bản đồ quy hoạch nơi công cộng, niêm yết tại bộ phận một cửa... bảo đảm theo quy định.

Tuy nhiên, công tác lập, triển khai và quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, hạn chế như đến nay các xã chưa có quy hoạch chi tiết điểm xây dựng dân cư nông thôn được duyệt, dẫn đến khó khăn trong quản lý Nhà nước trước nhu cầu đầu tư xây dựng ngày càng tăng cao, làm phát sinh tình trạng vi phạm hình thành đường giao thông và khu dân cư tự phát. Một số khu vực quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chồng chéo, dẫn đến tình trạng người dân được cấp quyền sử dụng đất ở nhưng không được cấp giấy phép xây dựng.

HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh lập quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới; tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo, có giải pháp ngăn chặn việc “hiến đất làm đường”, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định, tình trạng “lấn chiếm quy hoạch vi phạm lộ giới giao thông” tạo cơ hội cho tổ chức, cá nhân trục lợi, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước và hình thành các khu dân cư tự phát.

Theo ông Kiều Công Minh- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị đang trình UBND tỉnh bổ sung Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 27.7.2020 của UBND tỉnh quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (bổ sung điều kiện hợp thửa đất theo quy định tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP).

Thiên Tâm

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục