Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng đời sống văn hoá: Không chạy theo thành tích, nặng hình thức
Thứ năm: 08:29 ngày 21/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đối với ngành Giáo dục, báo cáo còn mang tính hình thức, chưa nêu được kết quả nổi bật cũng như tồn tại, hạn chế của đơn vị trong thực hiện phong trào này. Việc triển khai cuộc vận động “Điểm sáng văn hoá biên giới” chưa được quan tâm đúng mức. Ở một số địa phương, việc công nhận danh hiệu gia đình văn hoá còn hình thức, chạy theo thành tích…

Ông Nguyễn Hồng Thanh- Giám đốc Sở VHTT&DL phát biểu kết luận hội nghị.

Bằng hình thức trực tuyến, chiều 20.3, Ban Chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá của tỉnh tổ chức tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 2018.

Trong năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động đoàn kết giúp đỡ nhau xoá đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn hoá, kỷ cương, pháp luật, xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng thiết chế văn hoá - thể thao được quan tâm thực hiện.

Không xét tặng danh hiệu khu dân cư văn hoá nếu vi phạm một trong các trường hợp sau: Có khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật; có điểm, tụ điểm ma tuý, mại dâm; có hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật (Điều 13, Nghị định 122 năm 2018 của Chính phủ).

Mặt trận các cấp trong tỉnh xây dựng và triển khai 69 mô hình, có 17 mô hình đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, 11 mô hình xây dựng đời sống văn hoá, 19 mô hình đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Năm 2018, hơn 83% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá, 94% khu phố, ấp đạt văn hoá, gần 100% đơn vị trường học trong toàn tỉnh đăng ký danh hiệu này. Trên địa bàn tỉnh duy nhất có chợ huyện Tân Biên được công nhận chợ văn minh (được công nhận từ năm 2012 và duy trì danh hiệu này cho đến nay).

Hiện nay, ban chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền các tiêu chí xây dựng chợ văn minh, chợ vệ sinh, trật tự an toàn… Cuộc vận động xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm được tập trung tuyên truyền rộng rãi với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng nhóm đối tượng.

Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.300 người nghiện ma tuý, 2.008 người sử dụng trái phép chất ma tuý. Năm 2018, đội kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, tổ chức kiểm tra, lập biên bản một số cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá. Các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mại dâm.

Theo nhận xét của Ban Chỉ đạo, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá vẫn còn những hạn chế. Trong đó, đối với ngành Giáo dục, báo cáo còn mang tính hình thức, chưa nêu được kết quả nổi bật cũng như tồn tại, hạn chế của đơn vị trong thực hiện phong trào này. Cơ sở vật chất, thiết bị trong nhà vệ sinh của nhiều trường học xuống cấp nhưng chưa được cải tạo, sửa chữa.

Việc triển khai cuộc vận động “Điểm sáng văn hoá biên giới” chưa được quan tâm đúng mức. Ở một số địa phương, việc công nhận danh hiệu gia đình văn hoá còn hình thức, chạy theo thành tích…

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và một số địa phương trong tỉnh phát biểu ý kiến về phong trào xây dựng đời sống văn hoá.

Đại biểu dự hội nghị phát biểu ý kiến.

Đại diện huyện Trảng Bàng thông tin, tại địa phương này, người dân hăng hái, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng, gia đình khi có người chết đã để quá hai ngày mới chôn cất (quy định không quá 48 giờ).

Còn bà Trương Thị Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu khẳng định, địa phương này đang “tích cực chấn chỉnh bệnh hình thức” trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá. Một ý kiến khác đề nghị xem lại một số  mô hình, phong trào ở địa phương vì chưa đem lại hiệu quả cao.

Lãnh đạo huyện Châu Thành đề nghị, thời gian tới cần tổ chức tập huấn kỹ các quy định của Chính phủ liên quan đến phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, qua đó bảo đảm cho việc công nhận danh hiệu gia đình văn hoá được thống nhất, thuận lợi.

Hay đại diện huyện Tân Biên nêu thắc mắc: “Theo quy định, nếu địa phương nào để xảy ra khiếu kiện đông người thì không được xem xét công nhận danh hiệu văn hoá. Vậy, đông người là mấy người”. Đại diện Sở Tài chính cũng đề nghị Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kiểm tra, giám sát xem các huyện, thành phố đã thực hiện đúng chỉ tiêu, định mức phân bổ ngân sách cho sự nghiệp văn hoá hay chưa (theo quy định, hằng năm, ngân sách dành cho lĩnh vực xây dựng văn hoá là 1,8%).

“Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của tỉnh về xây dựng hình ảnh Tây Ninh văn minh, thân thiện, an ninh, an toàn và tạo bước đột phá trong phát triển du lịch nói riêng để mọi người dân hiểu và đồng tình, hưởng ứng xây dựng đời sống văn hoá, nếp sống văn minh. Chú trọng xây dựng tinh thần, thái độ phục vụ, ứng xử có văn hoá, lịch sự, văn minh; hình thành hệ thống nhà vệ sinh công cộng rộng khắp. Các khu, điểm du lịch, trạm dừng chân, cửa hàng kinh doanh xăng dầu cấp 1, cấp 2 ở vị trí ven quốc lộ, tỉnh lộ, bên bãi đỗ xe, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa khẩu quốc gia, quốc tế, công viên… phải xây dựng nhà vệ sinh đáp ứng yêu cầu và được quản lý, giữ gìn sạch đẹp…”. (Trích Công văn số 330 ngày 14.2.2017 của UBND tỉnh đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh công cộng, nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn tỉnh).

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá của tỉnh lưu ý, đây là một phong trào rất quan trọng, Chính phủ và các bộ, ngành ở trung ương, địa phương đặc biệt quan tâm.

Vì vậy, các địa phương tập trung khắc phục, hạn chế để phong trào ngày càng thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa hơn. Ông Thanh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã thực hiện đúng việc khen thưởng gia đình, ấp, khu phố văn hoá (phải có giấy khen và tiền thưởng kèm theo).

Năm 2019, việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hoá cần được thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định 122 năm 2018.

VIỆT ĐÔNG

Không xét tặng danh hiệu gia đình văn hoá nếu  thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường hợp sau:

1. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế.

3. Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.

4. Có tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống.

5. Có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính.

6. Mắc các tệ nạn xã hội, ma tuý, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc.

7. Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội (Điều 7, Nghị định 122 năm 2018 của Chính phủ).
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục