Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan; thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp với các công trình nhà ở công nhân, các công trình xã hội và văn hoá thể thao cho người lao động trong KCN...
Công nhân nhà máy dệt. Ảnh: Hà Thế Bảo
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 KCN nằm trong quy hoạch KCN Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22.12.2014 và Công văn số 27/TTg-KTN ngày 12.1.2021 với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 3.959 ha. Trong đó, có 5 KCN đã được cấp phép thành lập và hoạt động, với tổng diện tích đất được duyệt theo quy hoạch là 3.385,19 ha, diện tích đất thực hiện là 3.383,07 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê là 2.540,1 ha, đã cho thuê 1.509,351 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 59,42%.
Tính đến ngày 15.3.2021, tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 308 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 249 dự án FDI; 59 dự án trong nước, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7.100,81 triệu USD và 9.851,34 tỷ đồng, tổng diện tích đất đã cho thuê là 1.526,42 ha, đạt tỷ lệ 60%.
Hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) như Trảng Bàng, Linh Trung III, Chà Là cơ bản lấp đầy; các KCN Phước Ðông, Thành Thành Công đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng và thu hút khoảng 50% diện tích đất KCN.
Hạ tầng được xây dựng hoàn chỉnh như đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống điện, chiếu sáng… Luỹ kế đến hết năm 2020, các KCN thu hút được 302 dự án; có 260 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 118.414 lao động.
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng
KCN Phước Ðông (huyện Gò Dầu) thành lập vào năm 2009, cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ. KCN đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông nội bộ, cây xanh, trạm điện 110kV, 3 nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 14.900 m3/ngày.đêm (hiện có 2 nhà máy xử lý nước thải hoạt động công suất 5.100 m3/ngày.đêm, 1 nhà máy công suất 5.000 m3/ngày.đêm vận hành thử nghiệm); nhà máy cấp nước đang hoạt động công suất 10.000 m3/ngày.đêm. Ngoài ra, KCN còn xây dựng hệ thống nhà xưởng cho thuê, sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư nhanh chóng ổn định sản xuất.
Các nhà đầu tư tại KCN Phước Ðông đã triển khai khu tái định cư để ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu liên hợp Phước Ðông - Bời Lời. Ðến nay, khu tái định cư của dự án đã hoàn chỉnh đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, nhà trẻ, chợ… Chính quyền địa phương đã tổ chức bốc thăm giao nền, chủ đầu tư cung cấp mẫu nhà cho người dân.
KCN Thành Thành Công (thị xã Trảng Bàng) thành lập năm 2009, cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống giao thông nội bộ, cây xanh xung quanh KCN; trạm điện; 2 nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 16.000 m3/ngày.đêm, đang hoạt động với công suất 7.000m3/ngày.đêm... đã được hoàn thiện.
Tính đến ngày 31.12.2020, KCN Thành Thành Công thu hút được 79 dự án đầu tư, gồm 66 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 1,33 tỷ USD và 13 dự án trong nước với tổng số vốn 3.737,24 tỷ đồng; diện tích đất đã cho thuê là 362,69 ha, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 70,23%, chủ yếu là may mặc, dệt may và công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm nhựa…
KCN đang san lấp hoàn chỉnh khu dân cư tái định cư 75,44 ha, đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, điện, cấp nước giai đoạn 1 với diện tích 41,96 ha. KCN chuẩn bị xây dựng nhà ở công nhânvà hoàn thành trường tiểu học tại khu tái định cư.
Ông Hà Văn Cung- Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cho biết, bên cạnh việc phát triển hạ tầng, với quỹ đất 496 ha còn lại, tỉnh đã sẵn sàng đáp ứng các dự án quy mô lớn.
Ðiều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp
Vừa qua, ngày 12.1.2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó, Thủ tướng đồng ý giảm diện tích KCN Chà Là, huyện Dương Minh Châu từ 200 ha xuống 42,19 ha; đưa KCN Thanh Ðiền với diện tích 166 ha tại xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành và KCN Hiệp Thạnh với diện tích 250 ha tại ấp Chánh, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp; bổ sung KCN Hiệp Thạnh với diện tích 573,81 ha tại ấp Ðá Hàng và ấp Giữa, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu vào quy hoạch phát triển các KCN.
Các KCN khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nằm trong quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020, được phê duyệt tại Công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22.12.2014 của Thủ tướng Chính phủ, không thay đổi.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo, quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN; bảo đảm sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.
UBND tỉnh chịu trách nhiệm báo cáo HÐND tỉnh xem xét thông qua và quyết nghị việc điều chỉnh, bổ sung các KCN này trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Tây Ninh, được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 53/NQ-CP và điều chỉnh bổ sung theo mục 18 Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14.7.2020.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, cập nhật các quy hoạch có liên quan trên địa bàn để bảo đảm không chồng lấn giữa các quy hoạch; giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của KCN, bảo đảm diện tích đưa ra khỏi quy hoạch KCN được sử dụng đúng mục đích, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trong khu vực quy hoạch KCN hiện hữu bị đưa ra khỏi quy hoạch theo quy định của khoản 5 Ðiều 149 Luật Ðất đai năm 2013 và khoản 3 Ðiều 69 Luật Quy hoạch.
Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan; thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp với các công trình nhà ở công nhân, các công trình xã hội và văn hoá thể thao cho người lao động trong KCN; bảo đảm việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và xã hội phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp; có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng.
Công nhân làm việc tại một KCN trên địa bàn tỉnh.
Ðẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp đối với phần diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê còn lại chưa lấp đầy; triển khai đầu tư xây dựng các KCN đúng tiến độ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và bảo đảm tính khả thi của quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn, tránh không phát triển được một số KCN đã có trong quy hoạch như thời gian vừa qua.
Ông Hà Văn Cung- Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cho biết, việc thu hút đầu tư không chỉ phụ thuộc vào các dịch vụ hạ tầng đáp ứng của các KCN, mà còn phụ thuộc rất lớn vào sự đồng hành của chính quyền địa phương, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Với phương châm “Tận tình - thông suốt - hiệu quả”, Ban Quản lý xác định việc đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với Tây Ninh là việc làm tiên quyết trong chính sách thu hút đầu tư.
Theo ông Cung, trong thời gian tới, các KCN trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển theo mô hình công nghiệp - dịch vụ - đô thị gắn liền; KCN làm hạt nhân hình thành đô thị và kích thích dịch vụ phát triển, ngược lại, đô thị, dịch vụ là hậu cần bổ trợ cho sự phát triển sản xuất công nghiệp. Trong phát triển công nghiệp không chú trọng phát triển bằng mọi giá, mà theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Nhi Trần