Đọc báo in
Tải ứng dụng
Xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá khoai mì
2021-04-29 12:41:54

Chiều 28.4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh về “Xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá khoai mì tại tỉnh Tây Ninh”.

Tham dự buổi hội thảo có ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; Tiến sĩ Trịnh Xuân Hoạt – Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ NN&PTNT) và đại diện các Trạm Bảo vệ thực vật, nông dân trồng mì, doanh nghiệp chế biến mì trên địa bàn tỉnh.

Đề tài nghiên cứu khoa học "Xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá khoai mì tại tỉnh Tây Ninh" do Kỹ sư Nguyễn Văn Hồng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm chủ nhiệm đề tài, phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật triển khai từ tháng 5.2018 đến nay, với mục tiêu: Xác định các tác nhân gây bệnh, phương thức lan truyền và các yếu tố có liên quan. Từ đó, xây dựng quy trình quản lý tổng hợp các phương pháp phòng trừ bệnh hiệu quả và bền vững.

Tiến sĩ Bùi Văn Dũng - Phó Bộ môn Bảo vệ thực vật Viện Bảo vệ thực vật thông tin đến các đại biểu nội dung kết quả của đề tài nghiên cứu.

Nhóm thực hiện Đề tài đã triển khai 3 điểm thí nghiệm tại các xã: Tân Lập (huyện Tân Biên), Phước Vinh (huyện Châu Thành) và Thị trấn Tân Châu (huyện Tân Châu) với 4 giống mì trồng phổ biến tại Tây Ninh là KM 419, KM 140, KM 94 và HL-S11 để theo dõi diễn biến và mức độ biểu hiện của bệnh trên từng giai đoạn sinh trưởng của cây mì trong điều kiện đồng ruộng.

Phun thuốc trừ bọ phấn trắng phòng bệnh khảm lá trên cây mì- Ảnh minh hoạ

Tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng - Phó Bộ môn Bảo vệ thực vật, Viện Bảo vệ thực vật thông tin đến các đại biểu những kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo đó, nguyên nhân gây bệnh khảm lá trên cây mì được nhóm nghiên cứu xác định do virus Sri Lankan Cassava Mosaic Virus (SLCMV) gây ra; thường lây truyền bằng con đường di truyền qua hom giống và qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng; bệnh bắt đầu xuất hiện từ lúc cây mới mọc mầm cho đến lúc thu hoạch với biểu hiện là những vết vàng xen lẫn phần xanh, lá bị nhăn nheo, biến dạng và có kích thước nhỏ hơn lá phát triển bình thường, thân cây còi cọc, kém phát triển; cây mì nhiễm bệnh khảm lá nặng có thể bị giảm đến 90% năng suất.

Nông dân tiêu huỷ mì bị nhiễm khảm lá trong đợt dịch năm 2017- Ảnh minh hoạ

Qua nghiên cứu, nhóm tìm ra 2 giống mì có tính kháng bệnh khảm lá 100% là giống HN3 và HN5; đồng thời, xây dựng mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá trên cây mì. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đề xuất, trong thời gian tới cần có các đề tài tiếp tục nghiên cứu một cách hệ thống và chuyên sâu về bệnh khảm lá trên cây mì nhằm có cơ sở phòng, chống bệnh hiệu quả và an toàn.

Minh Dương

Tin liên quan