Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa sản xuất đậu phộng tại Thạnh Đức
Thứ ba: 21:50 ngày 22/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp- Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa sản xuất đậu phộng tại các vùng trồng chính” tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu.

Mục tiêu của mô hình là nâng cao tỉ lệ áp dụng cơ giới hóa lên 70% trong các khâu sản xuất; năng suất đạt từ 4- 4,5 tấn/ha; hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với sản xuất đại trà; hỗ trợ cơ giới hóa khâu gieo trồng, thu hoạch, bứt củ.

Gieo hạt đậu phộng bằng máy.

Mô hình sử dụng giống đậu phộng VD2, thực hiện trên diện tích 15ha với 75 hộ tham gia. Mô hình thực hiện tại 2 điểm trình diễn là ấp Bến Rộng và ấp Trà Võ, xã Thạnh Đức trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10.2019.

Trong thời gian thực hiện mô hình, thời tiết có mưa nhiều ở đầu vụ và rải rác trong vụ, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại. Kết quả thu hoạch cho thấy năng suất đạt trung bình 4,25 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng trên 38% so với sản xuất đại trà.

Mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa sản xuất đậu phộng.

Theo cách thức sản xuất đại trà, người nông dân phải bỏ ra khoảng 100 công lao động/ha cho việc gieo hạt, thu hoạch và bứt củ. Áp dụng thành công cơ giới hóa vào sản xuất đã giúp người dân giải phóng được số công lao động này, thay vào đó bằng máy móc.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, dự án “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa sản xuất đậu phộng tại các vùng trồng chính” giúp nông dân trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận trong sản xuất.

Áp dụng cơ giới hóa ở khâu bứt củ.

Bên cạnh đó, dự án cũng đáp ứng một phần nhu cầu cơ giới hóa và là một công cụ rất hữu ích cho nông dân trồng đậu phộng tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn hiện nay.

Kết quả của dự án cũng là tiền đề để địa phương nhân rộng mô hình qua các nguồn kinh phí khác, nhiều hộ nông dân đã đồng ý sẵn sàng cơ giới hóa diện tích trồng đậu phộng của gia đình vào các vụ sản xuất tiếp theo.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục