Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng nghề dệt của dân tộc Lự thành sản phẩm du lịch
Thứ hai: 10:24 ngày 01/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nghề dệt thổ cẩm là một trong những nghề phát triển và đem lại lợi ích rất lớn cho đồng bào dân tộc Lự tại Bản Hon (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).

Đây cũng là lý do mà ngành du lịch tỉnh Lai Châu lựa chọn nghề dệt của dân tộc Lự để xây dựng thành sản phẩm du lịch, nhằm tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cho ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Nơi in dấu văn hóa dân tộc Lự

Bản Hon hiện có 474 hộ với 2.859 nhân khẩu, trong đó 100% hộ dân lưu giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc, dưới từng mái nhà của người Lự đều có từ 1 đến 3 khung dệt để người phụ nữ dệt váy, áo cho mình và những đồ dùng sinh hoạt cho cả gia đình.

Trong sinh hoạt đời thường người phụ nữ Lự luôn vận trên mình bộ trang phục truyền thống với những đường nét hoa văn thổ cẩm sặc sỡ trang trí trên nền vải nhuộm chàm, cùng với sự kết hợp của các loại trang sức cầu kỳ.

Đến với Bản Hon, khách du lịch sẽ được khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân bản địa. Ảnh: Thanh Hà

Hầu như các thành phẩm từ nghề dệt truyền thống của người Lự đều được làm hết sức tỉ mỉ, thủ công ngay từ việc chọn nguyên liệu đến tìm kiếm màu sắc từ thiên nhiên để nhuộm chàm cho trang phục, phần việc này dành riêng cho đôi tay khéo léo của phụ nữ. Ngoài ra, người Lự được đánh giá là một trong những dân tộc thiểu số có cách phối màu, hoa văn độc đáo trên trang phục truyền thống và những giá trị đó được bảo tồn khá nguyên vẹn từ đời này qua đời khác không bị thay đổi theo không gian và thời gian.

Về Bản Hon chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng với ông Lò Văn Hiềng, cán bộ Văn hóa xã Bản Hon, ông cho biết: “Hiện nay, tại Bản Hon có tới 100% phụ nữ từ 45 tuổi trở lên đều thành thạo nghề dệt may truyền thống của cha ông để lại”.

“Nghề dệt của người Lự đã tồn tại từ rất lâu đời tại Bản Hon, người Lự rất coi trọng nghề dệt và lấy đó làm thước đo sự khéo léo, tiêu chuẩn đánh giá vai trò của một người phụ nữ trong gia đình cũng như trong bản”, nghệ nhân Tao Thị Xeng chia sẻ.

Trang phục truyền thống của người Lự với đường nét hoa văn độc đáo được làm bởi những bàn tay khéo léo của người phụ nữ.

Chính những giá trị cốt lõi trong văn hóa đã đưa Bản Hon trở thành một trong những điểm sáng về du lịch cộng đồng trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”, thời gian vừa qua Bản Hon đã được nhiều du khách trong nước và quốc tế ghé thăm.

Anh John Terry, du khách người Mỹ chia sẻ cảm nhận về sản phẩm dệt may của dân tộc Lự: “Tôi khá thích thú với những sản phẩm dệt thủ công của đất nước các bạn. Chúng không chỉ đẹp mà còn rất chắc chắn. Các họa tiết trang trí thì khó có thể bắt gặp ở đâu.Vì thế, tôi sẽ mua dùng và tặng cho các bạn bè của tôi để giới thiệu về Lai Châu, Việt Nam”.

Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

Ngày nay, du khách thường có xu hướng đi du lịch dưới hình thức tìm về với thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ để tận hưởng những cảm giác nhẹ nhàng, mới lạ mà họ không thể tìm thấy trong cuộc sống thành thị với cường độ và áp lực công việc cao. Điều đó đặt cho ngành du lịch cần phải tạo ra những làng nghề với những sản phẩm độc đáo để du khách có thể tự tay tham gia vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm tăng sức hấp dẫn, tránh sự nhàm chán đơn điệu của sản phẩm du lịch địa phương.

Nghề dệt của dân tộc Lự là một tiềm năng góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch tại địa phương.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu đã triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển sản phẩm du lịch tại Bản Hon: Khảo sát thu thập thông tin làm cơ sở cho việc phát triển nghề dệt; tổ chức các khóa tập huấn để qua đó động viên khuyến khích các nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy lại những tinh hoa của nghề dệt truyền thống cho thế hệ trẻ cũng như đã hỗ trợ một số trang thiết bị nghề dệt (guồng quay, khung dệt, bộ đồ nhuộm chàm, dụng cụ cán bông, xa quay sợi, các loại chỉ dệt, bộ đồ in sáp ong...); tổ chức trình diễn nghề dệt, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân tại bản trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhằm phục vụ phát triển du lịch bền vững. Trong thời gian tới người dân tại Bản Hon sẽ sử dụng những công cụ được hỗ trợ để khách tham quan tận tay dệt ra những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Lự.

.Bản làng của đồng bào Lự ở Bản Hon.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu xác định sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh văn hóa dân tộc Lự nói riêng, du lịch cộng đồng tại Bản Hon nói chung đến các công ty lữ hành để xây dựng đưa vào các tour tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề, tham gia trình diễn các sản phẩm hàng thủ công, kéo dài thời gian lưu trú, tạo thêm niềm hứng thú cho du khách.

Nghề dệt của dân tộc Lự thật sự là một tiềm năng có thể khai thác, nhân rộng làm sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch Lai Châu. Góp phần phát triển thêm sản phẩm du lịch tại địa phương, cải thiện đời sống của bà con và bảo lưu các giá trị truyền thống của dân tộc.

Theo langvietonline

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục