BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng Nông thôn mới: Cần hiểu đúng hơn về tiêu chí thuỷ lợi

Cập nhật ngày: 21/08/2013 - 06:56
HTML clipboard

Do các xã chưa cập nhật, chưa nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, dẫn đến đánh giá hiện trạng chưa sát, đánh giá mức độ đạt tiêu chí chưa phù hợp.

Cầu máng kênh Tây, xã Tân Bình, Thị xã. Ảnh: Đ.H.T

(BTN) - Theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM), tiêu chí về thuỷ lợi ghi rõ: Công trình thuỷ lợi được hiểu là công trình thuộc kết cấu hạ tầng nhằm khai thác mặt lợi của nước; phòng chống tác hại do nước gây ra, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, bao gồm: đê, hồ chứa nước, đập, cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, kênh, công trình trên kênh và bờ bao các loại.

Theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, xã đạt tiêu chí thuỷ lợi khi đáp ứng đủ hai yêu cầu: Có hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; đạt tỷ lệ 85% km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá. Trong đó không áp dụng đối với hệ thống kênh tiêu nước hoặc tưới tiêu kết hợp hoặc kênh tưới bị ảnh hưởng thuỷ triều; các kênh tưới phụ trách tưới cho diện tích nhỏ hơn 10 ha đến 20 ha. Riêng các xã không có kênh mương thuộc diện kiên cố hoá hoặc vùng không áp dụng kiên cố hoá được tính là đạt.

Trong những năm qua, với sự phấn đấu không ngừng của ban chỉ đạo các cấp, tính đến tháng 6.2013, trong 9 xã trọng điểm xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã có 5/9 xã đạt tiêu chí thuỷ lợi là: Bình Minh (Thị xã), Thạnh Bình (Tân Biên), Thạnh Đông (Tân Châu), Bến Củi (Dương Minh Châu) và Long Thành Trung (Hoà Thành). 4 xã còn lại chưa đạt tiêu chí này là: Thanh Điền (Châu Thành), Phước Trạch (Gò Dầu), Long Khánh (Bến Cầu) và An Tịnh (Trảng Bàng).

Để hoàn thành tiêu chí thuỷ lợi cho 4 xã chưa đạt, ban chỉ đạo các xã này khẩn trương phối hợp với xí nghiệp, trạm thuỷ lợi thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh trên địa bàn huyện, Thị xã tổ chức rà soát, đánh giá lại hiện trạng hệ thống công trình thuỷ lợi. Qua đó thống nhất số km kênh mương trên địa bàn do xã quản lý cần phải đầu tư hoặc kiên cố hoá; lựa chọn hạng mục công trình đúng đối tượng theo quy định hiện hành; đưa vào quy hoạch, đề án, kế hoạch đầu tư theo thứ tự ưu tiên, theo năm; phân chia nguồn vốn đầu tư, cơ cấu mức hỗ trợ vốn cho từng công trình phù hợp với quyết định của UBND tỉnh; đồng thời phải có sự đồng thuận cao của người dân và vận động người dân tham gia.

Tuy nhiên hiện tại, việc kiên cố hoá kênh do xã quản lý theo tiêu chí thuỷ lợi đang gặp khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là nhận thức của một số địa phương chưa đầy đủ về tiêu chí thuỷ lợi. Q. Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, qua làm việc với ban chỉ đạo 9 xã điểm, có một số xã đưa vào Đề án xây dựng NTM kế hoạch đầu tư các công trình thuỷ lợi chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Cụ thể như: xây mới công trình thuỷ lợi (Trạm bơm Long Khánh B); kiên cố hoá kênh mương không thuộc xã quản lý (bê tông hoá một đoạn kênh cấp I); đầu tư kiên cố hoá (hoặc nạo vét) hệ thống kênh tiêu, kênh tưới tiêu kết hợp hệ thống tưới bằng kênh chìm có ảnh hưởng của thuỷ triều (sông Vàm Cỏ Đông); đầu tư kiên cố hoá kênh mương có diện tích nhỏ hơn 20 ha…

Ông Nguyễn Ngọc Ánh cho biết thêm, do các xã chưa cập nhật, chưa nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tỉnh, dẫn đến đánh giá hiện trạng chưa sát, đánh giá mức độ đạt tiêu chí chưa phù hợp.

Trong thời gian qua, ngành chức năng đã tích cực hướng dẫn, nâng cao nhận thức các địa phương về các tiêu chí NTM, trong đó có tiêu chí thuỷ lợi với quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn trong giai đoạn mới.

DUY ĐỨC