Kinh tế   Nông thôn mới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Trí Bình (huyện Châu Thành):

Xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân

Cập nhật ngày: 19/08/2023 - 22:23

BTNO - Xã Trí Bình, huyện Châu Thành có 4 ấp, dân số 9.256 người, diện tích tự nhiên 2.120 ha. Lợi thế của xã Trí Bình là địa hình tương đối bằng phẳng. Đất đai đa dạng, có tiềm năng về nông, lâm, khoáng sản.

Nhà văn hóa ấp được đầu tư khang trang.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) được Đảng ủy, UBND xã lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể xã, ấp thực hiện nghiêm túc. Kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2021-2025 được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, được người dân đồng thuận, hưởng ứng tích cực, chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện đạt kết quả cao các tiêu chí xây dựng NTM, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền- Bí thư Đảng ủy xã Trí Bình cho biết: “Năm 2021, xã triển khai thực hiên Bộ tiêu chí xây dựng NTM, trong quá trình thực hiện còn gặp rất là khó khăn. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, tinh thần trách nhiên và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến nay xã Trí Bình thực hiện đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM”.

Là xã bán thị bán thôn, cuộc sống của đa số người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và làm thuê. Thu nhập thấp, việc làm chưa ổn định, phương tiện và trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Nhưng với nỗ lực của Cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, tập trung mọi nguồn lực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia.

Nổi bật là công tác tuyên truyền được Ban Chỉ đạo đặc biệt quan tâm, nhằm tạo sự đồng thuần từ suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn 2018-2022 các ban, ngành, đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền được 93 cuộc với 4.430 lượt người tham dự.

Song song đó, Ban Chỉ đạo xã quan tâm công tác đào tạo, tập huấn cho thành viên BCĐ. Từ năm 2018 đến nay, UBND xã cử 120 lượt cán bộ là thành viên ban chỉ đạo NTM, ban quản lý NTM, ban phát triển ấp, các ban, ngành đoàn thể, công chức chuyên môn: Địa chính, Tư pháp, Công An, Y tế, Văn phòng UBND, Thương binh- Xã hội, cán bộ nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, tham gia 26 lớp tập huấn về công tác xây dựng NTM. Qua đó giúp công chức chuyên môn nắm rõ về công tác xây dựng NTM trong lĩnh vực mình phụ trách và nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao.

Một tuyến đường NTM trên địa bàn xã.

Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo- Chủ tịch UBMTTQVN xã cho biết: “Bằng nhiều hình thức, UBMTTQVN xã Trí Bình đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình MTQG xây dựng NTM tại địa phương”.

Từ đó, địa phương huy động sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực, góp phần thực hiện các tiêu chí đạt kết quả cao. Tổng kinh phí thực hiện là 131 tỷ 540 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 15 tỷ 150 triệu đồng; ngân sách tỉnh 50 tỷ 794 triệu đồng; ngân sách huyện 18 tỷ 381 triệu đồng; ngân sách xã trên 4 tỷ  đồng; vốn vay tín dụng trên 30 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình 1 tỷ 465 triệu đồng; doanh nghiệp đóng góp 8 tỷ 542 triệu đồng; nhân dân đóng góp 2 tỷ 850 triệu đồng.

Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, xã Trí Bình tích cực vận động người dân phát huy vai trò chủ thể; tình nguyện hiến đất, ngày công lao động để tham gia mở rộng, nâng cấp đường giao thông. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa; 100% đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa; các tuyến đường ngõ, xóm bảo đảm sạch và không lầy lội vào mùa mưa.

Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn xã Trí Bình góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trở thành phong trào chính trị sâu rộng.

Mô hình trồng nấm bào ngư hiệu quả cao

Điển hình một số tiêu chí như: tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã; có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bảo đảm bền vững; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Về Giáo dục và đào tạo, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100%; phổ cập giáo dục tiểu học đạt 100 %; trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt 93%; xóa mù chữ đạt 93%; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp), đạt 90,4 %. Trung tâm học tập cộng đồng được đánh giá xếp loại tốt trong năm 2022.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, các hộ nghèo được quan tâm nhiều hơn. Xây tặng hàng chục căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, thực hiện các chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo, trợ cấp người già, học sinh, sinh viên kip thời; thường xuyên thăm hỏi và cấp chế độ đầy đủ cho các gia đình chính sách, gia đình có công. Công tác giảm nghèo có sự tham gia, hưởng ứng của xã hội, giúp người nghèo phát triển sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo giảm so với trước đây. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động nghề gắn với việc làm ngày càng tăng.

Vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả theo Đề án cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh và Kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp của huyện như: mô hình liên kết 4 nhà trên cây lúa, mô hình cánh đồng lớn theo hướng VietGAP trên cây lúa, mô hình nuôi trồng thủy sản...Qua đó giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, tạo nguồn thu nhập cho nông dân.

Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bằng nhiều phương thức hỗ trợ cho nhân dân vay từ nguồn tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội, các ban ngành đoàn thể xã phối hợp với Ngân hàng CSXH hằng năm giải ngân cho 1.210 hộ, trên 30 tỷ đồng, vay hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bộ mặt nông thôn ngày có sự chuyển biến tích cực, đổi mới toàn diện; thu nhập của người dân được nâng cao, năm 2022 tăng lên gần 635 triệu đồng/người/năm. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền- Bí thư Đảng ủy xã Trí Bình cho biết: “Việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới đã khó, việc giữ vững danh hiệu càng khó hơn. Với ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, xã Trí Bình quyết tâm giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM đồng thời phấn đấu xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu trong thời gian tới”.  

Gia Hân