Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Muốn thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, điều quan trọng đầu tiên là phải chú trọng khâu tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.
|
Người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn |
(BTN) - Muốn thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, điều quan trọng đầu tiên là phải chú trọng khâu tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, giúp mọi người hiểu thấu và hưởng ứng chủ trương ích nước lợi nhà này. Đó là điều mà Đảng bộ, chính quyền huyện Hoà Thành xác định ngay từ đầu khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã phối hợp với các cấp uỷ Đảng, chính quyền tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, cụm loa phóng thanh ấp, khu phố hoặc thông qua các hội thi, biểu diễn văn nghệ, qua pa-nô, áp phích… Các ban, ngành, đoàn thể thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ kết hợp lồng ghép tuyên truyền trong cán bộ, hội viên, đoàn viên và tuyên truyền qua các tổ dân cư tự quản. Ban Tuyên giáo Huyện uỷ chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ các xã điểm về nội dung, băng đĩa tuyên truyền.
Về nội dung tuyên truyền, ngoài chủ trương và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Hoà Thành còn quan tâm tuyên truyền các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, làm cho dân hiểu tiêu chí nào do chính quyền thực hiện, tiêu chí nào cần sự chung tay góp sức của nhân dân, nhờ vậy, đa số người dân trên địa bàn đều nắm được và tích cực hưởng ứng. Điều đó được minh chứng bằng kết quả thực tế trong gần 3 năm qua. Nguồn kinh phí do huyện bỏ ra và nhân dân đóng góp thêm tổng cộng hơn 20 tỷ đồng đã được đầu tư cho xây dựng cơ bản, trong đó làm mới 14 tuyến đường, nâng cấp sửa chữa hàng chục tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 50km.
Trong quá trình thi công làm đường, ngoài đóng góp vật tư, kinh phí, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến một phần đất ở, đất vườn để mở rộng, chỉnh sửa lại con đường cho khang trang, thông thoáng. Trong đó có những tấm gương tiêu biểu vì cộng đồng thật xúc động. Chẳng hạn ông Huỳnh Minh Quân, một người dân ở ấp Long Bình, xã Long Thành Nam đã chắt chiu từng đồng tiền có được để sửa chữa đường đi chung cho mọi người (Báo Tây Ninh từng đưa tin). Nghĩa cử của ông Quân đã tạo được sức lan toả, nhiều người khác cũng đã cùng tham gia đóng góp để làm đường. Còn ông Trần Văn Nghi, ngụ ấp Long Trung, xã Long Thành Trung thì cũng tình nguyện hiến 785 mét vuông đất gia đình để địa phương làm đường giao thông, tạo sự thuận lợi cho việc đi lại của bà con nông dân.
Có thể nói nhờ sự đồng tình, chung tay góp sức của người dân mà bộ mặt nông thôn ở huyện Hoà Thành ngày càng có nhiều thay đổi. Đến nay phần lớn các tuyến đường thôn xóm đều được sửa chữa, nâng cấp; hầu hết các xã đều có trạm y tế được xây dựng khang trang, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Mạng lưới trường học từng bước được đầu tư xây dựng kiên cố hoá. Hiện Hoà Thành có 12 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác xã hội hoá giáo dục được toàn xã hội quan tâm và tích cực tham gia đóng góp. Hội Khuyến học từ huyện đến xã đều được kiện toàn, hằng năm huy động hơn 1 tỷ đồng để trao tặng học bổng, tập sách, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo; vận động tổ chức hiến tặng đất xây dựng 2 phòng học mẫu giáo. Đặc biệt có một cá nhân đã tài trợ 8 tỷ đồng để xây dựng trường học, góp phần chăm lo sự nghiệp giáo dục ở địa phương.
Công tác chăm lo nhà ở cho các hộ nghèo cũng được người dân trong huyện tích cực hưởng ứng. Thông qua việc huy động Quỹ “Vì người nghèo”, mỗi năm bà con địa phương đã đóng góp khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa hàng chục căn nhà tình nghĩa, tình thương. Nhờ vậy, đến nay Hoà Thành cơ bản không còn nhà tạm.
|
Cánh đồng mẫu 50 triệu/ha |
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng là mục tiêu quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhận thức sâu sắc quan điểm đó, Huyện uỷ, UBND huyện Hoà Thành đã quan tâm vấn đề xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hoá: lúa chất lượng cao, rau an toàn, xây dựng cánh đồng mẫu 50 triệu/ha và các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả như mô hình liên kết “4 nhà” trong thâm canh lúa, mô hình chăn nuôi heo, gà, vịt an toàn sinh học theo hướng VietGAP… mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Có thể kể mô hình trồng rau an toàn được triển khai ở xã Long Thành Bắc và mô hình chăn nuôi kết hợp vịt - cá ở xã Long Thành Trung đã thu hút được nhiều nông dân tham gia.
Để giúp nông dân đạt hiệu quả trong sản xuất, huyện đã tổ chức mở 19 lớp đào tạo các ngành nghề, 18 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều hộ ăn nên làm ra. Trong phát triển kinh tế, huyện Hoà Thành cũng chú trọng xây dựng củng cố hệ thống hợp tác xã. Toàn huyện hiện có 14 hợp tác xã, gồm 3 hợp tác xã nông nghiệp, 6 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 2 hợp tác xã giao thông vận tải, 3 quỹ tín dụng nhân dân, đồng thời có 41 tổ hợp tác gồm các mô hình hợp tác nông nghiệp, hợp tác thuỷ sản và hợp tác tiểu thủ công nghiệp.
Qua 3 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Hoà Thành cũng đã tạo được sự chuyển biến bước đầu đáng ghi nhận trong đời sống nông thôn. Sự đổi thay được nhìn thấy từ những con đường giao thông nông thôn sạch, đẹp chạy qua những khu vườn xanh um mát mắt, những ngôi trường khang trang, tươi màu, những ngôi nhà mới xây nép mình bên vườn cây trĩu quả… Nông thôn đang mới lên từng ngày.
HỒng NhỰt