BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển biến, nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn 

Cập nhật ngày: 11/02/2024 - 07:20

BTN - Những năm qua tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, cuộc sống của người dân ngày càng văn minh, hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp, và sự hưởng ứng, chung tay góp sức của nhân dân, những năm qua tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, cuộc sống của người dân ngày càng văn minh, hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Đó thực sự là những “miền quê đáng sống”.

Đường ống đưa nước Lòng hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông tưới hai huyện Châu Thành và Bến Cầu. Ảnh: Lê Văn Hải 

Nâng cao chất lượng, nâng cao đời sống nhân dân vùng nông thôn

Với quan điểm xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, thời gian qua, nhiều xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu với những đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân lên mức cao hơn.

Tiêu biểu như xã Hưng Thuận (thị xã Trảng Bàng), sau khi về đích NTM vào năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục đặt ra mục tiêu xây dựng thành công xã NTM nâng cao. Với quyết tâm chính trị cao và những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đến cuối năm 2022, xã Hưng Thuận hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.

Ông Phan Văn Tuấn- Chủ tịch UBND xã Hưng Thuận cho biết, trong hành trình xây dựng NTM, ngoài việc tập trung nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm... các cấp hội, đoàn thể xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp, chủ động xây dựng nhiều mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.

Công tác xây dựng NTM nâng cao ở xã Hưng Thuận đạt nhiều kết quả. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông mở rộng, nâng cấp nhựa hoá, bê tông hoá gần 62 km; gần 97% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động; cơ sở vật chất giáo dục được trang bị hiện đại, đạt chuẩn theo quy định; 100% ấp có nhà văn hoá với đầy đủ trang thiết bị. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 77,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm dần theo các năm; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 87,85%.

Là một trong hai xã nông thôn vùng biên giới của thị xã Trảng Bàng, đời sống người dân xã Phước Chỉ còn nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020, từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Chỉ tập trung mọi nguồn lực; phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Đường mới. Ảnh: Đỗ Thành Nhân

Ông Nguyễn Văn Minh- Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết, từ khi bắt tay thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng với những việc làm thiết thực như hiến đất và đóng góp công sức để cùng với Nhà nước đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn, trong đó có tuyến đường nối liền 4 ấp ven sông với trung tâm xã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giúp việc vận chuyển hàng hoá của người dân được thuận tiện hơn.

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với hơn 3.900 ha lúa. Thời gian qua, thực hiện cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng NTM, xã Phước Chỉ đề ra mục tiêu xây dựng, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, rau, cây ăn trái và nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ.

Theo Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ Nguyễn Văn Minh, hiện trên địa bàn xã có 4 hợp tác xã (HTX) về lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả rất tốt. Bên cạnh mở rộng diện tích sản xuất, các HTX chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất lúa sạch, đồng thời liên kết sản xuất với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm. Việc tham gia HTX giúp bà con nông dân được tập huấn kỹ thuật, tư vấn kỹ lưỡng về giống, phân bón, cách bón phân, thu hoạch, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao.

Nhờ xây dựng NTM đã mang lại cho xã biên giới Phước Chỉ một diện mạo mới với hạ tầng đồng bộ, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, đời sống và thu nhập của người dân được nâng lên, kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội vùng biên giới.

Rau sạch trồng trong nhà màng. Ảnh: Huỳnh Đông

Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đến cuối năm 2022, thị xã Trảng Bàng đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện; có 4/4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 6/6 phường được công nhận đạt danh hiệu phường văn minh đô thị (đạt 100%). Trong đó, xã Hưng Thuận được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Phước Chỉ đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Nguyễn Phước Nhiên- Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng cho biết, tính đến ngày 15.9.2023, UBND Thị xã đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình UBND tỉnh Tây Ninh thẩm tra thị xã hoàn thành NTM.

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, công tác xây dựng NTM ở thị xã Trảng Bàng đã góp phần tạo bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông mở rộng, nâng cấp giúp việc đi lại và vận chuyển hàng hoá của người dân thuận tiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao của Thị xã.

Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường liên kết chuỗi giá trị. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 70,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,28%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 81,13%.

Chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn được nâng lên, toàn thị xã có 34/34 ấp được công nhận danh hiệu văn hoá; 4/4 xã được công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hoá NTM”. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT bình quân 92,98% (Đôn Thuận: 90,18%; Hưng Thuận: 96,14%; Phước Bình: 90,69% và Phước Chỉ: 94,91%).

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn. Ảnh: Huỳnh Đông

Hoạt động giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá có nhiều tiến bộ; công tác đào tạo nghề, tạo việc làm được tăng cường thực hiện, thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân tiếp tục được cải thiện, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

100% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sau hơn 12 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM đã góp phần mang lại đổi thay nhanh chóng, rõ nét về diện mạo kinh tế- xã hội ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Tính đến nay, Tây Ninh có 65 trong tổng số 71 xã đạt chuẩn NTM, 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Sớm nhất là thị xã Hoà Thành đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022. Thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận. Dự kiến, đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành các mục tiêu: 71 xã đạt chuẩn NTM (100%), 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 1 huyện đạt chuẩn NTM (Bến Cầu) năm 2024.

Cơ giới hoá nông nghiệp. Ảnh: Lê Văn Hải

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, nhờ xây dựng NTM, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng bình quân hằng năm của tỉnh duy trì ở mức 5%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, GRDP bình quân đầu người từ 3.190 USD (năm 2020) tăng lên 3.690 USD (năm 2022), thu nhập bình quân đầu người được cải thiện; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm, kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,4%; hệ thống điện lưới nông thôn được quan tâm cải tạo và từng bước nâng cấp theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định, bảo đảm mỹ quan.

Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Tổng số đường giao thông nông thôn được đầu tư trong giai đoạn 2021-2023 là 4.237,76 km, tăng 1.094,96 km so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, đầu tư xây dựng mới 3.007,55 km, cải tạo, sửa chữa 1.230,206 km. Nhiều mô hình sản xuất được chuyển đổi theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống, với các sản phẩm đặc trưng địa phương, với 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.

Minh Dương