Chúng tôi xin giới thiệu 2 xã được đưa vào diện thí điểm xây dựng nông thôn mới là Trường Hoà (huyện Hoà Thành) và Chà Là (huyện Dương Minh Châu).
Hiện nay trong giai đoạn tỉnh ta tăng tốc phát triển công nghiệp hoá thì tại các địa phương cũng hết sức quan tâm đến việc xây dựng nông thôn mới. Hai nhiệm vụ này không có gì mâu thuẫn với nhau, trái lại còn có tác dụng hỗ tương đáng kể. Bởi lẽ trên đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá, Tây Ninh vẫn là tỉnh nông nghiệp với ngành sản xuất cây nguyên liệu cho công nghiệp giữ vai trò chủ đạo.
Chúng tôi xin giới thiệu 2 xã được đưa vào diện thí điểm xây dựng nông thôn mới của hai huyện giáp ranh nhau. Điều lý thú, nhưng không phải ngẫu nhiên là hai xã cùng có quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Mặc dù một xã có khu công nghiệp đang triển khai với thuận lợi về nguồn quỹ đất sạch, và một xã đang gặp khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng, nhưng khi được tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới sẽ mở ra khả năng, tiền đề thuận lợi hơn cho việc tăng tốc tiến trình công nghiệp hoá. Đó là hai xã Trường Hoà (huyện Hoà Thành) và Chà Là (huyện Dương Minh Châu). Một điểm đặc biệt nữa là hai xã liền ranh này xưa kia là một địa phương -Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chà Là là một địa danh thuộc địa bàn xã Trường Hoà cũ, có cùng một chặng đường lịch sử vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nay là hai xã liền kề, có cùng một đích đến: Xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành: Đường giao thông nông thôn- vừa là thuận lợi cũng vừa là khó khăn
Trục lộ chính qua trung tâm xã Trường Hoà |
Xã Trường Hoà là một trong hai xã của huyện Hoà Thành được chọn là xã điểm của huyện xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 21.6.2009. Sở dĩ xã Trường Hoà được chọn là do hiện tại xã có một số điểm xuất phát khá lợi thế khi tiến hành xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để đạt được tất cả 19 tiêu chí quy định thì phía trước vẫn còn nhiều khó khăn- trong đó đặc biệt là vấn đề giao thông nông thôn.
Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Chủ tịch UBND xã Trường Hoà cho biết, xã Trường Hoà có diện tích tự nhiên là 1.793 ha. Trên địa bàn xã hiện có 2.798 hộ với hơn 11.000 nhân khẩu đang sinh sống. Hầu hết dân xã Trường Hoà sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp với cơ cấu cây trồng đang chuyển dịch ngày càng mạnh sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây cao su, cây ăn trái… Chính vì thế mà đời sống người dân ngày càng được nâng lên và hộ nghèo ngày càng giảm đi. Theo số liệu điều tra mới nhất, hiện nay xã Trường Hoà chỉ có 169 hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương, chiếm tỷ lệ khoảng 6% trong tổng số hộ toàn xã. Đây là một trong những điểm khá thuận lợi của xã khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, xã cũng có một số tiêu chí khác cũng khá thuận lợi. Cụ thể hiện nay trên địa bàn xã số hộ dân có điện sử dụng đạt đến hơn 95% tổng số hộ. Trạm y tế của xã đã được xây dựng mới và đạt chuẩn quốc gia. Về giáo dục, xã có trường THCS đạt chuẩn quốc gia, trường tiểu học cũng đã được lầu hoá, đang xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Xã còn có hơn 80% số hộ trong xã có nước sạch sử dụng… Đồng thời tất cả 4 ấp trong xã đều đã được công nhận là ấp văn hoá. Ngoài ra, về tiêu chí quy hoạch thì riêng lĩnh vực quy hoạch đường giao thông ở xã Trường Hoà cũng được xem như là một lợi thế. Bởi vì tuy là một xã nông thôn, nhưng đường giao thông trên toàn địa bàn xã đã được quy hoạch khá hiện đại bằng những đường song song, chia các khu dân cư thành từng lô theo kiểu bàn cờ. Theo quy hoạch này, khi các cụm dân cư ở xã Trường Hoà có điều kiện phát triển thành thị tứ, thị trấn thì chuyện đường sá không cần phải quy hoạch lại vì đã rất phù hợp.
Thế nhưng, thực tế điểm thuận lợi về quy hoạch đường giao thông nông thôn lại là điểm khó khăn của xã Trường Hoà khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Bởi vì theo kiểu quy hoạch bàn cờ thì tổng chiều dài đường giao thông nông thôn ở xã Trường Hoà lớn hơn nhiều so với các địa phương khác. Theo thống kê của Phòng Công thương huyện Hoà Thành, trên địa bàn xã Trường Hoà có đến 61 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài lên đến hơn 53 km. Trong đó, chỉ mới có 4 tuyến giao thông là được nhựa hoá với tổng chiều dài là 12,3 km và 3 tuyến được nâng cấp sỏi đỏ với tổng chiều dài chưa đến 2 km. Còn lại 54 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hơn 39 km đến nay vẫn còn là đường đất. Theo tiêu chí về đường giao thông nông thôn- phải có đến 100% tuyến đường được “cứng hoá” mới đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu này ở xã Trường Hoà vẫn còn rất xa so với thực tế và muốn đạt được thì không thể không có sự hỗ trợ, đầu tư từ cấp trên. Ngoài ra, về lĩnh vực thuỷ lợi- theo lãnh đạo xã Trường Hoà thì cũng là một trong những tiêu chí đáng băn khoăn. Hiện tại trên địa bàn xã có 1 tuyến kênh cấp 1 và nhiều tuyến kênh cấp 2, 3 và nội đồng, nhưng đến nay chỉ mới có một số được bê tông hoá, còn lại vẫn còn là kênh đất. Để đạt được tiêu chí về thuỷ lợi- trên 80% được bê tông hoá thì phải đầu tư số kinh phí không nhỏ để tiếp tục nâng cấp các tuyến còn lại. Điều này vượt quá khả năng của xã.
Vẫn còn 54 tuyến giao thông nông thôn là đường đất |
Tóm lại, việc xây dựng nông thôn mới là chủ trương hết sức đúng đắn và đúng hướng. Thế nhưng thực tế có một số tiêu chí muốn đạt được phải có sự đầu tư của cấp trên vì ngân sách xã không thể thực hiện nổi. Do đó tiến độ triển khai xây dựng nông thôn mới ở xã Trường Hoà phụ thuộc rất nhiều đến sự tập trung đầu tư của các ngành chức năng và sự hỗ trợ của chính quyền các cấp.
Xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu: Công nghiệp hoá đi đôi với xây dựng nông thôn mới
Vừa qua, Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới của tỉnh quyết định bổ sung thêm 7 xã vào diện “xã điểm” xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2015, trong đó có xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Qua trao đổi với lãnh đạo, cán bộ chuyên môn và một số người dân địa phương cho thấy: Xã Chà Là có nhiều lợi thế trong xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng không ít khó khăn, vướng mắc, kể cả sự… lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Xã Chà Là có diện tích tự nhiên hơn 3.000 ha, trong đó có 2.900 ha đất sản xuất nông nghiệp; dân số hơn 9.000 người, hơn 2.000 hộ gia đình; xã hình thành 4 ấp, hiện cả 4 ấp đã được công nhận ấp văn hoá. Trong những năm qua công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được cấp uỷ, chính quyền địa phương rất quan tâm: Diện tích canh tác được tưới tiêu bằng hệ thống tự chảy đạt gần 1.300 ha, trong đó gần 50% hệ thống kênh mương đã được “bê tông hoá”; chỉ còn 600 ha đất ở những vị trí cao chưa có hệ thống kênh mương tưới tiêu. Hệ thống giao thông trên địa bàn xã cơ bản được xây dựng khá tốt, ngoài các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) do xã quản lý có 21 tuyến đường liên ấp, với tổng chiều dài gần 20 km, đã được “cứng hoá” hơn 50%. Hệ thống điện lưới được phủ kín địa bàn toàn xã; xã đã được đầu tư xây dựng 3 trạm cấp nước sạch cho hơn 600 hộ gia đình sử dụng; đã xây dựng được 1 trường học đạt chuẩn quốc gia; đang xây dựng trạm y tế mới khang trang theo tiêu chí quốc gia. Có chợ được xây dựng mới khá khang trang, và đang hình thành khu chợ đầu mối tại cầu K13.
Về cơ sở cho hoạt động văn hoá, xã có Trung tâm Văn hoá xã; Bưu điện văn hoá; Trung tâm giáo dục cộng đồng; gần đây xã cũng mới đầu tư xây dựng Trạm Truyền thanh, hằng tuần có chương trình phát thanh riêng của xã, hoạt động có hiệu quả. Nhìn chung trong 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, được quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg của Chính phủ, xã Chà Là đã có nhiều tiêu chí đạt được một phần, hoặc xấp xỉ đạt chuẩn. Đặc biệt, trên địa bàn xã đã hình thành khu công nghiệp, đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, hiện đã có 1 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, quy mô thu hút hơn 10.000 lao động. Bước đầu doanh nghiệp này đã tuyển 500 người dân của xã đưa đi đào tạo nghề, để làm công nhân nòng cốt khi doanh nghiệp đi vào hoạt động. Việc chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, tạo ra đội ngũ công nhân có tay nghề cao đang mở ra cơ hội rất lớn cho người dân xã Chà Là và các xã lân cận, khi khu công nghiệp này đi vào hoạt động.
Trường tiểu học Ninh Hưng, xã Chà Là được xây dựng khang trang đạt chuẩn quốc gia |
Tuy nhiên Chà Là cũng như các địa phương khác đang đứng trước những khó khăn, vướng mắc, lúng túng đó là: Nguồn kinh phí để đầu tư cho hoàn chỉnh hệ thống GTNT, hệ thống thuỷ lợi, và các hạng mục công trình khác cho đạt tiêu chí là rất lớn, trong khi đó việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước còn rất mỏng. Việc đào tạo nghề cho người lao động cũng là một vấn đề nan giải, đối với thanh thiếu niên cần có chiến lược hướng nghiệp ngay từ khi các em còn là học sinh THCS thì mới tạo được tâm lý tốt trong việc chọn nghề sau khi ra trường. Nhất là đối với người nghèo, ngoài việc đào tạo nghề cần hỗ trợ nguồn vốn thích hợp để họ có cơ hội vươn lên.
Tình trạng lúng túng trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay ở hầu hết các xã là việc xây dựng quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết. Việc tuyên truyền, vận động để mọi người dân cùng đồng thuận, chung sức, chung lòng tích cực đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp cần phải được coi trọng đúng mức. Phải làm cho từng người thấy được quyền lợi to lớn từ việc xây dựng nông thôn mới để họ tích cực hưởng ứng, đóng góp, nhất là các doanh nghiệp, trang trại và những người có thu nhập cao.
SƠN TRẦN - KHẮC LUÂN