Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sở KH-CN tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu núi Bà Đen.

(BTNO) - Ngày 7.9, Sở KH-CN tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu núi Bà Đen có sự tham dự của các ngành chức năng liên quan và khoảng 80 nông dân trồng mãng cầu.
Theo Sở KH&CN, Quy chế quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý Bà Đen cho trái mãng cầu được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hoá. “Chỉ dẫn địa lý Bà Đen dùng cho sản phẩm quả mãng cầu” là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm mãng cầu có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực núi Bà Đen (Tây Ninh) và các vùng phụ cận thuộc tỉnh. Nói cách khác, đây là một dạng chứng nhận “thương hiệu” trái mãng cầu núi Bà Đen.
![]() |
Thu hoạch mãng cầu khu vực núi Bà Đen |
Ngày 10.8.2011, Cục Sở hữu trí tuệ ký Quyết định số 1804/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00027 cho sản phẩm mãng cầu núi Bà Đen. Sở KH&CN Tây Ninh là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý “Bà Đen” cho sản phẩm mãng cầu. Theo Sở KH&CN, hiện Tây Ninh có 4.484 ha trồng mãng cầu, tập trung xung quanh khu vực núi Bà Đen. Đây là vùng tập trung cây mãng cầu có diện tích lớn nhất cả nước.
Vào vụ thu hoạch chính (tháng 8-9 hằng năm), khu vực núi Bà Đen cho sản lượng trái lên đến 3.000- 3.5000 tấn/tháng. Vào dịp tết Nguyên đán, sản lượng mãng cầu Bà Đen đạt khoảng 3.000 tấn/tháng. Đây là sự khác biệt lớn (ngoài chất lượng) của mãng cầu núi Bà Đen so với các vùng khác, vì khoảng thời gian cận tết, không vùng nào thu hoạch nhiều mãng cầu như Tây Ninh. Chất lượng mãng cầu “núi Bà Đen” cũng có sự khác biệt lớn so với các vùng miền khác về chất lượng (thơm ngon, dai và giàu dinh dưỡng hơn) do có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng của khu vực núi Bà Đen phù hợp với cây mãng cầu. Do đó, không chỉ bán ra các vùng khác trong nước, mãng cầu núi Bà Đen còn xuất khẩu ra nhiều nước.
Bà Phạm Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết: Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý giúp cho người tiêu dùng biết thông tin về nguồn gốc sản xuất của sản phẩm, từ đó yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhờ đăng ký chỉ đẫn địa lý này mà các nhà sản xuất sẽ có điều kiện mở rộng quy mô, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hệ thống: quản lý, kiểm tra chất lượng nội bộ, tiêu thụ, bảo quản sản phẩm và hệ thống marketing quảng bá sản phẩm… Từ đó giúp nông dân tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp khi hầu hết các hộ sản xuất hiện nay hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, chưa ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển giá trị sản phẩm địa phương.
Tại hội thảo, các ngành chức năng đã trình bày dự thảo các văn bản quan trọng như: Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Bà Đen cho sản phẩm mãng cầu (do UBND tỉnh ban hành); Quy trình kỹ thuật canh tác mãng cầu núi Bà Đen đối với vườn trồng tập trung, chuyên canh (do Sở NN&PTNT ban hành); Điều lệ Hiệp hội mãng cầu Bà Đen (Sở Nội vụ ban hành). Đại diện ngành chức năng và nông dân đã đóng góp nhiều ý kiến tại buổi hội thảo nhằm xây dựng thương hiệu mãng cầu núi Bà Đen Tây Ninh phát triển bền vững, vươn xa, làm giàu cho người trồng.
HOÀNG THI