Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng thương hiệu cho rau “đặc sản”
Thứ hai: 09:35 ngày 12/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với các điều kiện về tự nhiên, đất đai, khả năng xây dựng “thương hiệu” rau rừng Lộc Trác khá khả thi. Đặc sản nổi tiếng của tỉnh là bánh tráng Trảng Bàng phải đi kèm với các loại rau rừng mọc ven sông Vàm Cỏ Đông, nên nhu cầu tiêu thụ cao.

Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trác ở xã Gia Lộc (huyện Trảng Bàng) được thành lập vào năm 2016, gồm 6 hộ nông dân tham gia với diện tích sản xuất 1,8 ha. Tổ hợp tác sản xuất các loại rau như quế vị, trâm ổi, vừng, cách, mặt trăng, trâm sắn, rau chiếc, sơn máu, bí bái, chùm mồi… Sản phẩm của Tổ đã được chứng nhận thực hiện theo quy trình VietGAP, được phân phối trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.

 

Thực hiện việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau rừng, đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp Trảng Bàng, UBND xã Gia Lộc, các hộ nông dân của Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trác thống nhất sử dụng thương hiệu rau rừng Lộc Trác và đã thiết kế logo cho sản phẩm.

Với các điều kiện về tự nhiên, đất đai, khả năng xây dựng “thương hiệu” rau rừng Lộc Trác khá khả thi. Đặc sản nổi tiếng của tỉnh là bánh tráng Trảng Bàng phải đi kèm với các loại rau rừng mọc ven sông Vàm Cỏ Đông, nên nhu cầu tiêu thụ cao.

Chi cục Trồng trọt và BVTV đã phối hợp với địa phương cùng Tổ hợp tác tiến hành các thủ tục để đăng ký chứng nhận thương hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ. Hiện nay, đã hoàn thành thủ tục đăng ký giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Tổ hợp tác rau rừng Lộc Trác” và đã gửi hồ sơ cho Cục Sở hữu trí tuệ.

Ngoài việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau rừng, Chi cục Trồng trọt và BVTV còn khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất tại Tổ liên kết rau an toàn núi Bà Đen để xây dựng thương hiệu rau núi Bà Đen.

Tổ liên kết rau an toàn núi Bà Đen gồm 7 hộ dân với diện tích sản xuất 2,15 ha. Các sản phẩm của Tổ liên kết đã được chứng nhận VietGAP gồm rau cần, diếp cá, quế vị và khổ qua; trong đó, sản phẩm mang tính đặc trưng là rau cần, diếp cá và quế vị.

Do được sản xuất tại khu vực xung quanh núi Bà Đen với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt nên sản phẩm ở đây được người tiêu dùng đánh giá có chất lượng cao hơn so với rau trồng ở những địa phương khác. Tuy nhiên, Tổ liên kết có diện tích sản xuất quá nhỏ, phân bố trên nhiều địa bàn khác nhau nên không có khả năng mở rộng diện tích, sản phẩm cũng không có liên tục.

Tổ liên kết có địa bàn sản xuất phân bố tại 3 địa phương khác nhau gồm xã Phan (huyện Dương Minh Châu), xã Thạnh Tân và phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh). Đất sản xuất thuộc đất rừng phòng hộ núi Bà nên nông dân không được cấp quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, do sử dụng nguồn nước ngầm từ núi chảy ra nên trong năm chỉ sản xuất được 7 tháng (từ tháng 5 đến tháng 12 hằng năm), còn lại những tháng mùa khô nông dân không sản xuất vì không có nước.

Theo Chi cục, về khả năng mở rộng diện tích, khu vực Hốc Gạo thuộc địa bàn phường Ninh Sơn có một số hộ dân đang trồng các loại rau tương tự nhưng diện tích không lớn (khoảng 0,5 ha). Trong khi đó, diện tích tối đa có thể sản xuất là 2,65 ha.

Các hộ sản xuất cũng có ý kiến rằng, hiện tại chưa cần thiết phải xây dựng thương hiệu vì diện tích sản xuất còn nhỏ, manh mún, thời vụ sản xuất không liên tục, sản phẩm không đủ cung ứng cho thị trường, trong khi việc mở rộng sản xuất rất khó khăn do không có quỹ đất. Chi cục cũng đã đề nghị Sở NN&PTNT xem xét tạm dừng việc xây dựng thương hiệu rau núi Bà Đen, đến thời điểm có đủ các điều kiện về sản xuất, đất đai, nhân sự sẽ thực hiện.

TRÚC LY

Tin cùng chuyên mục