Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trung tâm cung ứng nông sản được kỳ vọng trở thành một kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối được sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sáng 28/5, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2030”.
Xây dựng Trung tâm cung ứng nông sản: Yêu cầu cấp bách.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, hệ thống chợ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có quy mô nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Các dịch vụ logistic và dịch vụ hỗ trợ mua bán yếu kém… hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ đầu mối.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2 chợ đầu mối nông sản hạng 1 là chợ đầu mối nông sản Minh Khai và Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam, bên cạnh đó còn có hệ thống các chợ cấp 2 và chợ hoạt động với tính chất đầu mối như chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ, chợ đêm nông sản Văn Quán, chợ nông sản Bắc Thăng Long. Các chợ đầu mối vẫn đóng vai trò quan trọng trong kênh phân phối các mặt hàng nông sản thực phẩm của thành phố. Ngoài ra, Hà Nội có 124 siêu thị, trong đó có 94/98 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm. Tỷ trọng đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng rau, củ quả, thịt cá…
Theo số liệu thống kê, phân tích, thực trạng cơ sở hạ tầng chợ đầu mối tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa đồng bộ. Tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Hệ thống chợ quy mô nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Các dịch vụ logistics và dịch vụ hỗ trợ mua bán như: phân loại, bao gói, bảo quản hàng hoá nông sản; tư vấn, cung cấp thông tin thị trường… hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ đầu mối. Các thương lái chủ yếu gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.
Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – nhận định: Với thực trạng hệ thống phân phối nông sản thực phẩm như hiện nay và việc quy hoạch mạng lưới chợ đầu mối nông sản trên địa bàn Thành phố thì việc phát triển các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại là phù hợp với yêu cầu cấp bách nhằm kiểm soát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về các sản phẩm có chất lượng cao hơn, nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và khả năng cung ứng nông sản với số lượng lớn phục vụ hoạt động xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bertrant Ambroise - Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Tập đoàn Semmaris – Pháp) – cho hay, tại các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển, chợ đầu mối đều là công cụ chiến lược giúp chính quyền đạt được các mục tiêu của chính sách công về sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và chính sách nông nghiệp. Đồng thời, đây cũng là công cụ để cơ cấu lại hạ tầng đô thị.
Giảm tắc nghẽn giao thông, đảm bảo các hoạt động bán lẻ quy mô nhỏ và tạo động lực cho kinh tế địa phương. Cải thiện công tác quản lý chất thải và nước thải từ công nghiệp chế biến và các hoạt động logistics cho nông sản. Tại Việt Nam nói riêng, chợ đầu mối đóng vai trò cực quan trọng cung cấp thực phẩm cho các thành phố lớn, siêu lớn như Hà Nội hay Hồ Chí Minh. “Chợ đầu mối là mắt xích vô cùng quan trọng trong việc cung ứng thực phẩm. Hằng ngày, chợ đầu mối tiếp nhận số lượng lớn thực phẩm tươi sống. Tại Rungis (Paris) - chợ đầu mối lớn nhất thế giới, mỗi năm, giá trị hàng hóa tiêu thụ đạt 4 – 9 tỷ Euro/năm”, ông Bertrant Ambroise nói
Tại Hội thảo, các ý kiến cho rằng, việc xây dựng chợ đầu mối hay trung tâm cung ứng nông sản cần quan tâm tới vị trí, đây là yếu tố quan trọng nhất. Thứ hai là xác định quy mô xây dựng. Đồng thời cần xác định rõ loại chợ và dịch vụ. Thêm vào đó cần tính toán công tác quản lý và điều hành cũng như mô hình quản trị chợ đầu mối.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Phó Thủ tướng chủ trương xây dựng đề án “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại tại Việt Nam giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2030” và đã được đồng ý tại Công văn số 1190 ngày 1/2/2018. Hiện, Bộ NN&PTNT đã thống nhất nghiên cứu, xây dựng đề án với sự trợ giúp của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Dự kiến Đề án sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III hoặc quý IV năm 2019.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Đề án hướng tới mục tiêu xây dựng định hướng và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống trung tâm cung ứng hàng nông sản Việt Nam hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam.
“Điều này còn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, tiến tới đưa những sản phẩm nông sản thực phẩm mũi nhọn của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng với chất lượng tốt bảo đảm tiêu chuẩn nghiêm ngặt tiếp cận thị trường nông sản thế giới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Nguồn congthuong