Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội Nông dân xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu:

Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế 

Cập nhật ngày: 23/12/2022 - 09:09

BTN - Hiện nay, Hội Nông dân xã nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả ra hội viên, nông dân như: trồng rau an toàn, sản xuất mãng cầu năng suất cao, chăn nuôi bò gây quỹ chi hội; xây dựng mô hình mới như mô hình trồng táo Thái đạt hiệu quả kinh tế cao...

Người trồng bao trái cho táo để tránh ruồi vàng đục trái.

Thời gian qua, Hội Nông dân xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu tích cực tuyên truyền, vận động hỗ trợ hội viên thi đua sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế thành công, góp phần giúp hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Trong năm 2022, Hội Nông dân xã phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong hội viên. Có 1.557 hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp ký kết 3 không: không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục.

Ông Trần Thanh Tân- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) của bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ (ngụ ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) là mô hình còn lại duy nhất ở địa phương theo kiểu cũ nhưng đạt hiệu quả rất cao, ít tốn công chăm sóc, tận dụng triệt để chất thải từ trại heo, nguồn phân hữu cơ thích hợp cho giống tre, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Mô hình này là kiểu mẫu để hội viên Nông dân tham khảo học tập kinh nghiệm.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ chuyên làm nông, hơn 30 năm trước vợ chồng bà được cha mẹ cho 1,2 ha đất ven kênh Tây, gia đình vào lập trại chăn nuôi và trồng cây khoai mì và các loại rau màu… Nhưng do đất không màu mỡ, năng suất cây trồng thấp, thu nhập bấp bênh do giá nông sản không ổn định, vợ chồng bà Mỹ quyết định đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi heo, nuôi cá…

Bà Mỹ cho biết, lúc đầu bà nuôi heo nái và heo thịt, heo đẻ bao nhiêu con bà để nuôi hết, nhờ vậy giảm chi phí mua con giống. Liên tục nhiều năm, trại heo nhà bà Mỹ có trên 100 con heo thịt. Chuồng trại được giữ vệ sinh, che chắn cẩn thận, đàn heo luôn khoẻ mạnh, cho thu nhập khá. Hiện nay, trại heo còn 100 con nhiều lứa tuổi. Bà Mỹ thực hiện cả khâu chăm sóc thú y, đỡ đẻ, mỗi năm thu nhập từ nuôi heo hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh trại heo là ao cá tạp với các loại cá rô phi, cá mùi, cá tra, cá rô đầu vuông… góp phần làm sạch môi trường trong ao nuôi…

Đến năm 2020, vợ chồng bà Mỹ trồng tre mạnh tông trên 0,5 ha còn lại sau trại heo. Học hỏi cách chăm sóc tre lấy măng, bà Mỹ chọn giống mạnh tông thân nhỏ để canh tác. Giống tre này khác với giống mạnh tông thân lớn, trồng để lấy cây làm hàng gia dụng hay đan lát. Tre mạnh tông lớn cho măng rất ít và chỉ vào mùa mưa mới có măng, còn giống mạnh tông thân nhỏ, thấp, nhưng cho măng rất nhiều, ngay cả mùa nắng. Loại tre này cho măng liên tục trong năm, nếu tưới đủ nước, ở độ 2 năm tuổi trở đi, măng ra rất đều, cho thu nhập cao.

Từ lâu, vườn măng tre của bà Mỹ đã hoàn thiện hệ thống tưới phun đến từng gốc. Nguồn nước tưới dồi dào, nhiều dưỡng chất từ ao chứa nước thải của trại heo, nhờ vậy, mùa nào cũng có măng. Ước tính, sau 24 tháng trồng, từ 600 gốc tre này, bà Mỹ thu hoạch 5 tấn măng mỗi tháng.

Ông Trương Hữu Đức- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu cho biết, trên toàn huyện có nhiều hộ trồng các giống tre lấy măng, nhưng giống tre nhà bà Mỹ trồng cho nhiều măng nhất, hiệu quả rất cao.

Hiện nay, Hội Nông dân xã nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả ra hội viên, nông dân như: trồng rau an toàn, sản xuất mãng cầu năng suất cao, chăn nuôi bò gây quỹ chi hội; xây dựng mô hình mới như mô hình trồng táo Thái đạt hiệu quả kinh tế cao của ông Trần Hoàng Huân (sinh năm 1980, ngụ ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu).

Ông Huân cho biết, với diện tích 2 ha đất sau nhiều năm trồng mãng cầu thu nhập thấp, ông tìm hướng làm ăn mới. Vốn là người chịu khó, trong một lần dự hội thảo do Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Dương Minh Châu tổ chức tại xã Bàu Năng giới thiệu giống táo Thái cho hiệu quả năng suất cao, năm 2020, ông Huân nhờ Trạm bảo vệ thực vật mua 2.000 cây giống về trồng trên 2 ha đất của gia đình, hiện tại vườn táo đã cho thu hoạch.

Ông Huân cho biết, táo Thái duy trì khả năng cho trái đến gần 10 năm, đây là một trong những loại cây ăn trái có tiềm năng phát triển kinh tế hơn các cây khác. Nếu chăm sóc tốt, năng suất bình quân mỗi vụ của một gốc táo đạt từ 20-30kg, trung bình từ 5-7 trái/kg, không giống như những loại cây trồng khác, sau khi thu hoạch (khoảng từ tháng 2 đến tháng 3), nhà vườn đốn bỏ cành và thu dọn vườn để chuẩn bị vụ mới.

Theo ông Huân, khi đốn cành phải chú ý chỉ chừa 3-4 nhánh ở phần gốc để sau này cây dễ tạo tán và sai trái. Muốn táo cho trái chất lượng, năng suất cao thì người trồng phải tuân thủ đúng kỹ thuật chăm bón. Táo Thái là loại cây dễ trồng, ưa nền đất ẩm, nên từ khi táo đậu trái đến lúc thu hoạch ngày nào cũng phải tưới nước, nếu đủ nước thì cây sẽ cho trái to, da căng, mỏng.

Giá táo hiện nay từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, với 2.000 cây ông Huân có thu nhập khoảng 280 triệu đồng/năm. Từ năm thứ hai trở đi mỗi cây ước tính 15kg/cây, với giá 35.000 đồng/kg ước tính lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác Hội, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Bàu Năng tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các ngành nghề; hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho nông dân phát triển kinh tế, mở rộng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao.

Ông Trương Hữu Đức cho biết, Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu có kế hoạch ngay đầu năm, phối hợp với 3 ngân hàng nhằm hỗ trợ vốn; phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, định hướng, sản xuất theo ngành nghề do huyện quản lý và các công ty phân bón hỗ trợ mua phân bón trả chậm cho bà con.

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện phối hợp các tổ chức tín dụng xét cho nông dân vay trên 38 tỷ đồng với hơn 1.700 hộ vay.

Nhi Trần


Liên kết hữu ích