Xã hội   An toàn giao thông

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm An toàn giao thông 2022:

“Xây dựng văn hoá giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” 

Cập nhật ngày: 07/01/2022 - 09:00

BTN - Ngày 6.1, Uỷ ban ATGT quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm TTATGT năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia Phạm Bình Minh chủ trì.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban ATGT tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Trong năm 2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. Tình hình TTATGT có chuyển biến tốt, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020.

Lực lượng Công an thực hiện hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm gắn với phòng, chống dịch. Bộ Công an chỉ đạo CSGT triển khai 3 đợt xử lý vi phạm theo các chuyên đề, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma tuý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm TTATGT; tăng cường nắm tình hình, xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT và ùn tắc phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm...

Đặc biệt, việc tổ chức hệ thống chốt kiểm dịch với sự tham gia của lực lượng CSGT (từ cấp tỉnh đến cấp huyện) trên những tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia và địa phương góp phần nâng cao hiệu lực tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và phòng chống dịch.

Công tác đầu tư, xây dựng, phát triển và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm, đặc biệt là công tác tổ chức giao thông, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, điều tiết giao thông các vị trí xung yếu trên đường thuỷ… để bảo đảm điều kiện an toàn cho mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông từ trung ương đến địa phương.

Bộ Giao thông Vận tải kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các Sở Giao thông Vận tải quản lý chặt chẽ các điều kiện về ATGT đối với hoạt động vận tải; chủ động, kịp thời phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành quy định, hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông vận tải an toàn, thích ứng với các cấp độ phòng, chống dịch khác nhau để các địa phương áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Năm 2022, dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ từng bước được kiểm soát, kinh tế - xã hội phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông vận tải dần quay về với mức độ trước khi có đại dịch và tiếp tục gia tăng.

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia Y tế, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại trong một thời gian dài, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải có chiến lược “sống chung với Covid-19”.

Việc tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp của Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là trong hoạt động vận tải.

Uỷ ban ATGT quốc gia xây dựng kế hoạch Năm ATGT 2022 chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với tinh thần “Vì sức khoẻ, sinh mạng của người tham gia giao thông”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan thành viên của Uỷ ban ATGT quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gắn công tác bảo đảm TTATGT với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Các đơn vị nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1.2.2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Uỷ ban ATGT quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn.

Các đơn vị cần nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

Phương Thảo