Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng xã hội học tập: Còn nhiều khó khăn

Cập nhật ngày: 01/12/2010 - 10:51

Hiện nay, mạng lưới các trường THCS, THPT, Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) và Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) đã có đủ ở các huyện, thị trong tỉnh. Hệ thống trường trung cấp nghề trong tỉnh, số lượng tuy chưa nhiều nhưng cơ sở vật chất và trang thiết bị cơ bản đủ để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho tỉnh. Các cơ sở giáo dục này đóng vai trò quyết định trong khâu tổ chức thực hiện nhiệm vụ kích thích nhu cầu học tập, tạo điều kiện và cơ hội học tập suốt đời cho nhân dân trong thực hiện chương trình thực hiện xã hội học tập của UBND tỉnh giai đoạn 2007- 2010.

Mục tiêu của chương trình xây dựng xã hội học tập ở Tây Ninh là kích thích nhu cầu học tập trong nhân dân, hỗ trợ mọi điều kiện cả về vật chất, tinh thần để tất cả mọi người dân, không phân biệt nghề nghiệp, điều kiện và hoàn cảnh sống đều được học tập và học tập suốt đời; nâng cao và củng cố kỹ năng biết chữ vững chắc, tiến đến không còn người mù chữ; thanh thiếu niên trong độ tuổi lao động đều được hướng nghiệp và đào tạo nghề, công nhân viên chức và người lao động trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực đều có kiến thức cơ bản về khoa học đời sống và kỹ năng thực hành nghề nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác, sản xuất. Cụ thể, giai đoạn 2007- 2010 có khoảng 7.500 người độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi được công nhận biết chữ; khoảng 7.000 trẻ em hằng năm ở lứa tuổi phổ thông được định hướng nghề nghiệp và được trang bị kiến thức, kỹ năng tối thiểu cần thiết trong cuộc sống để bước vào đời. Đối với đội ngũ công nhân và người lao động trong các nông, lâm trường, trạm trại, xí nghiệp có khoảng 30.000 người được học và tốt nghiệp THCS, từ nền tảng văn hoá đó, tiếp tục được cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; khoảng 70.000 người lao động trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ cần được bồi dưỡng nâng cao kiến thức khoa học đời sống, kỹ năng thực hành nghề nghiệp để tăng năng suất lao động, cải thiện cuộc sống; có khoảng 2.000 cán bộ xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã được cập nhật kiến thức, kỹ năng tin học ứng dụng để có khả năng sử dụng tin học nhằm tăng hiệu quả công tác.

Dạy nghề Tin học tại Trung tâm GDTX huyện Hoà Thành

Từ cuối năm 2006, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động kết hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội mở thêm các lớp dạy nghề ngắn hạn tại các trung tâm GDTX huyện, thị nhằm làm tiền đề cho quy hoạch mạng lưới nghề nông thôn, đồng thời lên kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học nghề, tập huấn nghiệp vụ cho ban giám đốc trung tâm GDTX và lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo về quản lý, điều hành TTHTCĐ xã, phường, thị trấn (sau này được sáp nhập là trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng). Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đoàn thể như Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội khuyến học tỉnh, Tỉnh đoàn đã ký kết liên tịch về hoạt động nâng cao trình độ văn hoá cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, nông dân trên địa bàn tỉnh; kết hợp các cơ quan chức năng như Cục Thống kê, Liên đoàn Lao động tỉnh, huyện, Sở Nội vụ, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, các ban ngành, đoàn thể tỉnh, huyện lên kế hoạch điều tra bổ sung để nắm chắc trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công chức và người lao động trong các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, công, nông, lâm trường, từ đó làm cơ sở lên kế hoạch vận động ra lớp. Cuối tháng 10.2010, công tác điều tra nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn cuối, kết quả sẽ có vào đầu năm 2011.

Ngoài ra, từ năm 2008, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đưa chương trình bổ túc THPT vào chính khoá thực hiện song song với chương trình đào tạo nghề tại các trường dạy nghề và các trường trung cấp chuyên nghiệp để tạo điều kiện cho học viên vừa tốt nghiệp nghề vừa có điều kiện thi tốt nghiệp bổ túc THPT.

Bên cạnh đó, ngành còn củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm GDTX để thực hiện đồng thời 3 chức năng: giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp, dạy nghề. Toàn tỉnh hiện đã xây mới 5 trung tâm GDTX theo chuẩn với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng. Mỗi trung tâm VH-TT-HTCĐ  được cấp 30 triệu đồng để có điều kiện ổn định đi vào hoạt động.

Từ năm 2005 đến tháng 9.2010, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức được 61 đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học đời sống, chuyển giao công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp cho nhân dân, kết quả có 9.387 lượt người tham dự. Riêng tại Trung tâm GDTX tỉnh đã mở được 43 lớp chuyên đề ngắn hạn về chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho 1.515 cán bộ công chức, liên kết đào tạo tại chức với 11 trường đại học, cao đẳng, trung cấp được 76 lớp với 6.459 người học.

Về xoá mù chữ, phổ cập giáo dục THCS, tỉnh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn vào năm 2006. Đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục huy động sau xoá mù chữ, mở rộng đối tượng cần xoá mù chữ đến 40 tuổi, tiếp tục vận động phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, ra lớp phổ cập giáo dục THCS để nâng tỷ lệ đạt chuẩn và vận động ra lớp phổ cập giáo dục trung học những nơi có điều kiện. Nhờ đó, đến nay 95/95 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh vẫn duy trì được chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trên 99% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15- 35 tăng từ 97,9% năm 2005 lên 98,6% vào năm 2010. Ngoài ra, đã cấp chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B cho 3.636 người, chứng chỉ tin học ứng dụng trình độ A, B cho 4.157 người, đa số là cán bộ, công chức và giáo viên khối cơ quan tỉnh và ở trung tâm thị trấn các huyện, thị xã.

Tỉnh cũng đã ban hành chính sách khuyến học, khuyến tài trong đội ngũ cán bộ công chức, chính sách thu hút sinh viên ra trường về nhận công tác tại địa phương. Thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý, chính trị nhằm chuẩn hoá đội ngũ cán bộ công chức toàn tỉnh. 5 năm qua, Sở Nội vụ đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý, chính trị, nghiệp vụ cho 21.812 lượt cán bộ công chức cấp tỉnh, 3.725 lượt cán bộ công chức cấp huyện, xã. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, thực hiện đào tạo nghề nông thôn theo đề án của Chính phủ nhằm tạo điều kiện tìm việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, biên giới, phụ nữ và người dân tộc, góp phần xây dựng xã hội học tập tại địa phương.

Có thể nói, sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng xã hội học tập của tỉnh đã có hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều khó khăn cần được giải quyết. Chỉ tiêu 38 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học đến nay mới chỉ đạt 15 đơn vị. Nguyên nhân chính của tồn tại này là do đối tượng bỏ học trong độ tuổi thuộc diện huy động phổ cập giáo dục trung học là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh kinh tế gia đình của các đối tượng này còn khó khăn cho nên nhu cầu học tập chỉ là thứ yếu so với nhu cầu việc làm, cuộc sống. Theo kế hoạch, tỷ lệ người độ tuổi 15-18 vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề theo kế hoạch phải đạt 15%, nhưng chỉ đạt 3,9%. Nguyên nhân do chưa có chế độ chính sách hỗ trợ, khuyến khích học nghề và tạo công ăn việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp, hai là công tác tuyên truyền trong nhân dân, tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp dạy nghề phổ thông cho học sinh chưa đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, số lao động được hưởng thụ các chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp còn thấp do năng lực và kinh nghiệm quản lý, tổ chức lớp, huy động nguồn lực của lãnh đạo các trung tâm VH-TT-HTCĐ còn hạn chế; phương pháp giảng dạy, truyền thụ của giáo viên, báo cáo viên chưa sinh động, chưa gây được hứng thú cho người học.

Khắc phục những yếu kém trong quản lý và hạn chế về kinh phí, toàn tỉnh đang đề ra chương trình xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 nhằm gắn kết được hoạt động của các đơn vị chức năng, nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức khoa học và cuộc sống cho mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh nhà.

Duy Anh

 

 


 
Liên kết hữu ích