BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng xã hội học tập - một quá trình lâu dài 

Cập nhật ngày: 23/06/2023 - 09:04

BTN - Ý tưởng về xã hội học tập bắt đầu được UNESCO thảo luận vào cuối những năm 60 của thế kỷ XXI đã nhấn mạnh giáo dục cần phải có phạm vi bao phủ tới toàn bộ cộng đồng và diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi cá nhân.

Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở GD&ĐT tặng quà động viên học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ có hoàn cảnh khó khăn nhưng không ngừng vươn lên trong học tập.

Học tập suốt đời chính là chìa khoá của thế kỷ XXI, vượt xa hơn sự phân chia truyền thống giữa giáo dục ban đầu và giáo dục thường xuyên. Là một bộ phận không thể tách rời của giáo dục khu vực và thế giới, hệ thống giáo dục Việt Nam tuy đã chuyển mình tích cực theo hướng mở và học tập suốt đời trong những năm qua, nhưng vẫn còn rất cần một công cụ điều hành, quản lý mạnh mẽ như Luật Học tập suốt đời để đưa học tập suốt đời từ một chủ trương lớn trở thành hiện thực, một nét văn hoá của quốc gia.

Tri thức cần được bồi đắp thường xuyên

Sự cần thiết phải nhìn nhận lại xu hướng giáo dục toàn cầu, trong đó có yêu cầu các nền giáo dục buộc phải chuyển dịch theo hướng mở và học tập suốt đời, các xã hội cần thiết phải phát triển theo hướng trở thành xã hội học tập.

Nhiệm vụ thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã trở thành một hướng đi của mọi quốc gia để bảo đảm sự phát triển thịnh vượng, nhân văn, bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Tại Nhật Bản, năm 2001, Chính phủ Nhật Bản thành lập Cục Học tập suốt đời với tư cách là cơ quan trung ương có chức năng, nhiệm vụ phân tích, nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách thúc đẩy học tập suốt đời trên toàn quốc.

Tại Malaysia, năm 2011, Bộ Giáo dục đại học công bố chính sách “Thúc đẩy văn hoá học tập suốt đời giai đoạn 2011-2020” thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm tạo hành lang chính sách và đầu tư các nguồn lực cần thiết để học tập suốt đời trở thành một trong 3 trụ cột chính trong phát triển nguồn nhân lực quốc gia, bên cạnh giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Điều này cũng minh chứng cho nỗ lực của Chính phủ trong việc biến học tập suốt đời trở thành một nét văn hoá của quốc gia, một phong cách sống của người dân, chứ không chỉ là một mệnh lệnh chính trị mang tính định hướng.

Tại Việt Nam, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập luôn là chủ trương được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử, từ trăn trở “ai cũng được học hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi nước ta giành độc lập cho tới những chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua.

Trực tiếp nhất, ngày 18.5.2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010” với tiêu chí tổng quát là tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người dân, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, liên tục, học suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng, phát triển giáo dục; mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong học tập và tích cực tham gia xây dựng xã hội học tập. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục phê duyệt Đề án giai đoạn 2012-2020 và giai đoạn 2021-2030.

Đặc biệt, Luật Giáo dục 2019 ra đời đã thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, cụ thể hoá các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, tạo hành lang pháp lý để phát triển giáo dục Viêt Nam theo hướng mở, liên thông, tạo cơ hội học tập bình đẳng và suốt đời cho mọi người dân. Hạn chế, bất cập, rào cản trên con đường xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam cũng còn không ít.

Theo đánh giá của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang chưa đúng mức.

Tầm quan trọng và lợi ích của tự học, học thường xuyên, học tập suốt đời nhằm phát triển kỹ năng, nâng cao năng lực nghề nghiệp, tự tạo việc làm, hoàn thiện cá nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho tổ chức, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển đất nước bền vững chưa được nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ.

Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội, đến các doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết, tác động, lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Sự tác động và phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi toàn diện nền kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nếu không có tri thức, và tri thức không được bồi đắp thường xuyên thì không thể tồn tại, phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Vì vậy, tất yếu phải xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước, của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Chủ trương lớn của đảng

Ngày 13.4.2007, Bộ Chính trị khoá X ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Ngày 4.11.2013, Trung ương Đảng khoá XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ về phát triển giáo dục: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài; tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới để phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”.

Anh Phan Thành Thương (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành)- nạn nhân chất độc da cam, có vỏn vẹn hai ngón tay nhưng đã nỗ lực thành kỹ thuật viên máy tính.

Kết luận số 49-KL/TW ngày 10.5.2019 của Ban Bí thư khoá XII yêu cầu mỗi tổ chức cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên trong tổ chức để góp phần cùng với gia đình, dòng họ, thôn bản, tổ dân phố, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang... không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Ngày 25.5.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg yêu cầu tất cả các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua khác…

Xây dựng xã hội học tập là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi những cách tiếp cận tích hợp và hệ thống. Đây cũng là con đường khó khăn, nhưng tất yếu phải đi để một nền giáo dục không bị bỏ lại phía sau so với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và một quốc gia không biệt lập khỏi dòng chảy mạnh mẽ của toàn cầu.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất". Thi đua yêu nước là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của đại đoàn kết.

Ngày 11.6.1948, Bác Hồ đã phát động phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, nhờ vậy đã nạn xoá mù chữ, khơi dậy được tinh thần học tập mạnh mẽ trong toàn dân, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Đông