Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em: Cần thực chất
Thứ sáu: 12:02 ngày 16/09/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Xã, phường phù hợp với trẻ em là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.

Ngày 22.4.2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số  37/2010/QĐ-TTg Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Theo đó, để được công nhận đạt tiêu chuẩn các xã, phường phải hoàn thành 25 tiêu chí. Trong số 25 tiêu chí này, có những tiêu chí không quá khó để đạt, ví dụ: chính quyền xã, phường có nghị quyết, chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; có đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có nhiều tiêu chí không dễ dàng thực hiện. Chẳng hạn, tỷ lệ huy động trẻ em đến nhà trẻ, lớp mẫu giáo trong năm phải đạt 95% trở lên. Tỷ lệ hộ gia đình (có trẻ em) sử dụng hố xí hợp vệ sinh từ 85% trở lên… Ngoài những tiêu chí cốt yếu, Quyết định của Thủ tướng cũng  quy định rõ: các xã, phường phải có điểm vui chơi giải trí, tổ chức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao cho trẻ em. Việc tổ chức trại hè cho thiếu nhi, ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6, Tết Trung thu… cũng phải được tiến hành chu đáo. Nếu không đáp ứng được các quy định như vừa nêu thì sẽ bị trừ điểm. 

Để được công nhận là xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em thì phải có ít nhất 650 điểm (đối với những xã ở vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo) hoặc 750 điểm (khu vực đồng bằng, trung du). Riêng các phường, quận, huyện của thành phố trực thuộc Trung ương phải đạt từ 850 điểm trở lên. (Thang điểm tối đa để công nhận xã, phường đạt chuẩn phù hợp với trẻ em là 1.000 điểm).

Vui Trung thu cùng với các em nhỏ ở Hoà Thành

Xã, phường phù hợp với trẻ em là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương. Trong đợt khảo sát mới đây của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện các chính sách về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em tại một số địa phương trong tỉnh, báo cáo của 3 huyện Hoà Thành, Trảng  Bàng và Dương Minh Châu đều cho biết: 100% số xã và thị trấn của 3 huyện đều đã được công nhận là xã, phường phù hợp với trẻ em. Đáng chú ý, qua đó hầu như huyện nào cũng đạt được “bước tiến lớn”. Năm 2008, huyện Hoà Thành mới có 1 trên 8 xã, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em thì hai năm sau, tất cả 8 xã, thị trấn của huyện đều được công nhận. Tại huyện Trảng Bàng, năm 2008 con số này là 4/11 xã, thị trấn, đến năm 2010, là 11/11. Tương tự, tất cả 11 xã, thị trấn của huyện Dương Minh Châu cũng đã được công nhận phù hợp với trẻ em.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các địa phương trong việc xây dựng một môi trường thân thiện với trẻ em. Tuy nhiên, qua những gì ghi nhận được trong đợt khảo sát trên có thể nói có nơi hình như đã xuất hiện hiện tượng nôn nóng, muốn “cán đích” sớm trong việc xây dựng và công nhận danh hiệu xã, phường phù hợp với trẻ em. Theo quy định tại điểm thứ nhất, Điều 2 của Quyết định 37 thì: “Xã, phường được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em là xã, phường có môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; là xã, phường mà ở đó tất cả trẻ em đều có sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, được hưởng các quyền cơ bản của mình (quyền được sống, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia), có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách”. Thực tế cho thấy, môi trường sống của trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa thể gọi là an toàn. Rõ ràng ở nhiều địa phương, trẻ em chưa được bảo vệ tốt. Có không ít vụ xâm hại, bạo lực diễn ra đối với trẻ em trong suốt một thời gian dài mà gia đình, địa phương, đoàn thể không hay biết (Báo Tây Ninh số ra ngày 9.9.2011 có phản ánh trong bài “Trẻ em bị xâm hại tình dục- Nỗi đau của gia đình và xã hội). Đó còn chưa kể, trẻ em là con của những cặp vợ chồng làm công nhân ở các khu công nghiệp đang là đối tượng nhắm đến của những kẻ bất lương. Người lớn đi làm, nhà trẻ chưa có (hoặc có nhưng không đáp ứng được hết) không biết gửi con ở đâu nên đành để cho những đứa trẻ ở phòng trọ chơi với nhau. Từ đó xuất hiện nguy cơ trẻ bị xâm hại hoặc các cháu đang sống trong một môi trường chưa thể gọi là an toàn tuyệt đối. Có thể nói, hạ tầng cơ sở dành cho việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang vừa thiếu vừa yếu.

Như Báo Tây Ninh đã đưa, theo số liệu của công an, trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh xảy ra 129 vụ xâm hại trẻ em dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Người ta không thể không lo ngại về thực trạng ấy cũng như không thể không cảnh giác với “bóng ma” của căn bệnh thành tích trong tiến độ xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em.

Xây dựng một môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em là một mục tiêu rất nhân văn, ai cũng muốn. Thế nhưng, tất cả cần được nhìn nhận, đánh giá bằng thực chất để có những tác động kịp thời và phù hợp thì mới có thể tạo ra được những giá trị đích thực cho xã hội. Mong lắm thay!

VIỆT ĐÔNG

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục