(BTN)-
Nhằm chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm, vừa qua, Ban Văn hoá - Xã
hội của Hội đồng nhân dân tỉnh đã làm việc với Sở Giáo dục-Đào tạo.
Phát biểu tại cuộc làm việc
giữa hai bên, lãnh đạo Sở Giáo dục- Đào tạo đã nêu lên nhiều vấn đề cần phải
tích cực giải quyết. Trong đó nổi cộm là thực trạng một số công trình xây dựng
triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra cho năm 2012. Cụ thể là tính đến thời
điểm hiện tại, còn “nợ” 6 công trình với 60 phòng. Trường THPT Châu Thành có quy
mô xây dựng 12 phòng học mới nhưng hiện nay khâu giải quyết thủ tục về đất đai
vẫn chưa xong. Ở huyện Dương Minh Châu, kế hoạch xây 10 phòng cho Trung tâm Giáo
dục thường xuyên vẫn còn nằm chờ. Cũng nằm trong danh sách chờ Sở Kế hoạch – Đầu
tư phê duyệt dự án như Trung tâm này, còn có hai trường THCS ở Trảng Bàng là
THCS Thị trấn và THCS Phước Chỉ. Ở Hoà Thành, kế hoạch xây mới Trung tâm Giáo
dục thường xuyên với 16 phòng cũng chưa thực hiện được. Hiện Sở Giáo dục- Đào
tạo đang phối hợp với UBND huyện Hoà Thành chọn quỹ đất để xây trường. Ở Trảng
Bàng, kế hoạch xây 10 phòng học mới cho Trường THPT của huyện này chỉ mới trong
giai đoạn thực hiện thủ tục bàn giao đất.
|
Ông Lâm Tấn Đông-
Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh trong một lần khảo sát cơ sở vật chất
ở Trường chuyên Hoàng Lê Kha. |
Riêng đối với Trường THPT
chuyên Hoàng Lê Kha (Thị xã) mặc dù UBND tỉnh đã ghi vốn chuẩn bị đầu tư từ năm
2010 nhưng đến nay chưa lập được dự án đầu tư vì chưa có đất. Được biết, việc
giải toả đền bù đất đai để xây dựng Trường chuyên Hoàng Lê Kha đang gặp rất
nhiều khó khăn.
Thực hiện Quyết định số
20/2008/QĐ-TTg ngày 1.2.2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án kiên cố
trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, Tây Ninh được
Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng 2.662 phòng học và 64 phòng công vụ giáo viên
với tổng kinh phí dự toán là 452.371 tỷ đồng. Tây Ninh đã triển khai đầu tư xây
dựng 2.377 phòng học. Trong đó, số phòng đã hoàn thành là 1.799 phòng. Riêng nhà
công vụ cho giáo viên đã hoàn thành 100% khối lượng công trình.
Về xây dựng trường đạt chuẩn
quốc gia, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 90/532 trường đạt chuẩn
(16,91%). Ngày 31.12.2011, UBND tỉnh có Quyết định số 2786/QĐ-UBND về xây dựng
trường chuẩn quốc gia thuộc xã điểm nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, trong đó
tổng số trường đầu tư xây dựng chuẩn là 145 trường.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng
lạm thu tại các cơ sở giáo dục, từ đầu năm đến nay, Sở Giáo dục- Đào tạo đã tiến
hành thanh, kiểm tra quản lý các nguồn thu ngoài học phí tại 5 đơn vị. Qua ghi
nhận, các đơn vị đều thực hiện đúng theo hướng dẫn, không có sai phạm trong công
tác quản lý. Tuy nhiên, có trường học đã thu gộp một lúc nhiều khoản tiền khiến
phụ huynh gặp khó khăn. Có trường ở nông thôn, phụ huynh phải đóng một lúc 2
triệu đồng.
Đối với tình trạng dạy thêm
học thêm, từ đầu năm đến nay, Sở Giáo dục- Đào tạo đã tiến hành kiểm tra ở một
số trường học. Kết quả, có 2 giáo viên bị phê bình, thông báo trong toàn ngành.
Tại buổi làm việc, bà Đặng
Thị Phượng– một thành viên trong đoàn khảo sát đặt vấn đề: Có nên tiếp tục cấp
đàn Organ cho các trường ở vùng sâu hay không, vì nhiều giáo viên ở đây không
biết sử dụng đàn, e rằng sẽ gây ra tình trạng lãng phí! Có hay không những công
trình xây dựng kéo dài đến 3 năm, giải quyết vấn đề trượt giá của những công
trình này như thế nào?
|
Nhận đàn về, để
cho... bụi bám. |
Ông Huỳnh Thanh Phương- Bí
thư Tỉnh đoàn lại quan tâm đến tình trạng học sinh bỏ học, nguy cơ rớt chuẩn phổ
cập giáo dục và tình trạng thiếu cán bộ y tế trong trường học (mặc dù học viên
Trường Trung cấp Y tế đang thất nghiệp). Ông Mai Văn Hải- Phó chánh Văn phòng
HĐND tỉnh đặt câu hỏi: Vì sao đến thời điểm này giáo viên ở một số nơi vẫn còn
lãnh lương cũ? Giáo viên nghỉ hưu mà tham gia dạy thêm thì quản lý họ như thế
nào? Ông Hải đặc biệt lưu ý vấn đề quản lý và sử dụng nguồn tiền vận động, xã
hội hoá và đề nghị lãnh đạo Sở Giáo dục- Đào tạo quan tâm, vì đây là nguồn tiền
thuộc dạng “nhạy cảm”. Ông Lâm Tấn Đông – Thường trực HĐND tỉnh nêu: Vì sao hệ
thống trường tư ở Tây Ninh mỏng như vậy? Ông cũng đặt vấn đề: Đến thời điểm này
vẫn còn giáo viên chưa được lãnh phụ cấp thâm niên, như vậy là quá chậm. Đối với
vấn đề dạy thêm học thêm, ông Đông cho rằng không thể quản lý theo kiểu hành
chính.
Lãnh đạo và đại diện các
phòng chuyên môn của Sở Giáo dục- Đào tạo lần lượt giải đáp các vấn đề mà đoàn
khảo sát đặt ra. Về nhân viên y tế trường học, hiện nay còn 300 trường không có
bộ phận này. Nguyên nhân chính là do mức thu nhập cho người làm công việc này
quá thấp nên khó thu hút người có chuyên môn vào đây. Một số nơi, giáo viên chưa
được lãnh lương, phụ cấp mới và phụ cấp thâm niên chỉ bởi vướng mắc về thủ tục.
Hệ thống trường tư hiện nay vẫn còn mỏng cũng do không mời gọi được nhà đầu tư.
Mặt khác, quỹ đất sạch ở Tây Ninh cũng thiếu, đất dành cho xây trường công lập
còn khó nói gì đến đất cho trường tư thục. Riêng về dự án xây dựng đại học Đông
Nam ở huyện Trảng Bàng, một lãnh đạo Sở Giáo dục- Đào tạo bày tỏ sự hoài nghi:
Liệu dự án có thành hiện thực trong bối cảnh mà nhiều trường đại học ngoài công
lập đã và đang rơi vào tình trạng ế ẩm, không có người học như hiện nay?
VIỆT ĐÔNG