Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hầu hết các công trình sau khi hoàn thành, chủ đầu tư chỉ chú trọng đến khâu bảo hành còn khâu bảo trì sau thời gian bảo hành hoàn toàn không thực hiện.
Trong những năm qua, Tây Ninh ngày càng tập trung đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Do đó mà tốc độ xây dựng cơ bản cũng ngày càng tăng theo, dự án đầu tư xây dựng ngày càng nhiều và công trình xây dựng cơ bản phục vụ phát triển kinh tế- xã hội ngày càng đều khắp. Song song đó, các quy định về quản lý chất lượng công trình cũng được áp dụng ngày càng chặt chẽ, số công trình không đạt chất lượng ngày càng giảm đi. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn một khâu quan trọng trong quy trình quản lý chất lượng công trình xây dựng cơ bản chưa được quan tâm- đó là khâu bảo trì công trình.
Nhiều công trình khi đưa vào sử dụng không thực hiện khâu bảo trì |
Ông Trương Văn Ngôn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, quy trình đầu tư xây dựng về quản lý chất lượng công trình bao gồm 5 khâu quan trọng là: khảo sát, thiết kế, thi công, bảo hành và bảo trì. Trong những năm qua, theo đánh giá của giới chuyên môn thì hầu hết công trình bị kéo dài thời gian khởi công, chậm tiến độ thi công- thậm chí có những công trình không đảm bảo chất lượng là do khâu khảo sát, thiết kế chưa chính xác và có sai sót. Tuy nhiên, trong 5 khâu quản lý chất lượng công trình thực tế không chỉ có khâu khảo sát, thiết kế là yếu kém mà khâu bảo trì đối với những công trình đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng cũng chưa được quan tâm. Thực tế hầu hết các công trình sau khi hoàn thành, chủ đầu tư chỉ chú trọng đến khâu bảo hành còn khâu bảo trì sau thời gian bảo hành do nhà thầu thiết kế lập theo Điều 33 Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì hoàn toàn không có thực hiện.
Ở huyện Hoà Thành, giai đoạn 2006-2010 có đến 337 công trình xây dựng cơ bản được triển khai thực hiện với tổng vốn là hơn 223 tỷ đồng, hầu hết các công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Về quản lý chất lượng công trình, UBND huyện chỉ đạo Ban quản lý dự án của huyện thuê và kết hợp với đơn vị tư vấn giám sát đối với từng công trình để đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công. Theo đánh giá của UBND huyện Hoà Thành hầu hết các công trình đầu tư trong 5 năm qua sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng, đồng thời các nhà thầu đảm bảo khâu bảo hành công trình theo thời gian quy định. Thế nhưng, riêng khâu bảo trì công trình theo Nghị định của Chính phủ thì trong 5 năm qua tất cả các công trình trên địa bàn huyện Hoà Thành đều không có thực hiện do thiếu nguồn vốn cho khâu quản lý chất lượng này.
Ở huyện Trảng Bàng cũng tương tự. Trong giai đoạn 2006-2010, trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng 270 công trình, trong đó có: 105 công trình hạ tầng giao thông, chợ; 77 công trình là trụ sở cơ quan, hội trường, nhà văn hoá; 34 công trình kiên cố hoá kênh mương; 33 công trình giáo dục; 7 công trình y tế và nhiều công trình khác. Tổng vốn đầu tư 270 công trình là 379,5 tỷ đồng. Theo UBND huyện Trảng Bàng thì việc quản lý chất lượng công trình trong khâu thi công được thực hiện đúng quy định. Hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu tại công trường thi công bao gồm cán bộ kỹ thuật, chỉ huy trưởng phải có mặt thường xuyên để kiểm tra an toàn, nghiệm thu nội bộ, lập bản vẽ hoàn công cho từng hạng mục công trình và mở sổ ghi nhật ký công trình theo đúng quy định. Riêng khâu giám sát chất lượng của chủ đầu tư thì hầu hết thuê đơn vị tư vấn thực hiện và nghiệm thu bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Khâu bảo hành cũng được thực hiện đầy đủ và hầu hết các nhà thầu đều đáp ứng tốt công tác sửa chữa để kết thúc giải toả bảo hành đúng thời gian quy định. Thế nhưng khâu bảo trì công trình sau thời gian bảo hành thì ở tất cả các công trình đã hoàn thành trong 5 năm qua đều không có thực hiện. Hiện nay, các chủ quản lý sử dụng qua kiểm tra các công trình sau khi hết thời gian bảo hành, nếu thấy có dấu hiệu xuống cấp thì lập văn bản trình cấp có thẩm quyền phân khai vốn để sửa chữa nâng cấp.
Nhiều công trình thực hiện tốt khâu giám sát chất lượng khi thi công |
Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn công trình xây dựng cơ bản được triển khai xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng và hầu hết trong số đó không hề lập quy trình bảo trì theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Theo ý kiến của một số cán bộ chuyên môn thì việc không thực hiện khâu bảo trì công trình sau khi hết thời gian bảo hành đã dẫn đến một số thiệt hại. Cụ thể ở một số công trình sau khi đưa vào sử dụng có một vài hạng mục có dấu hiệu xuống cấp, do không có thiết kế quy trình bảo trì nên chủ sử dụng chỉ có cách lập văn bản xin cấp có thẩm quyền kinh phí sửa chữa. Có nơi thời gian xét duyệt kinh phí sửa chữa kéo dài, hậu quả là khi lập văn bản công trình chỉ mới có dấu hiệu xuống cấp, nhưng đến có kinh phí thì công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trong 5 năm tới- giai đoạn 2011-2015, tốc độ phát triển kinh tế- xã hội sẽ được đẩy mạnh hơn, tổng vốn đầu tư lĩnh vực xây dựng cơ bản sẽ tăng hơn và số lượng công trình cũng sẽ tăng theo. Nên chăng, ngành chức năng quan tâm hơn nữa và buộc các chủ đầu tư phải thực hiện đúng những quy định về khâu bảo trì công trình để thời gian sử dụng lâu dài hơn và những công trình đầu tư xây dựng phát huy hiệu quả cao hơn.
Sơn Trần