Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Một loại xăng sinh học làm từ bã cà phê đang được sử dụng cho những chiếc xe bus 2 tầng màu đỏ- biểu tượng của thủ đô London, nước Anh.
Ảnh minh họa.
Loại nhiên liệu thân thiện với môi trường này được phát triển bởi Công ty Bio-bean của Anh với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Tập đoàn dầu mỏ Shell.
Để sản xuất xăng sinh học này, Bio-bean đã hợp tác với hàng nghìn cửa hàng cà phê tại Anh để thu thập bã cà phê. Thông thường, một người dân London uống nhiều hơn 2 ly cà phê mỗi ngày, do đó có khoảng 200.000 tấn bã cà phê bị bỏ đi mỗi năm.
Thay vì bị đưa đến các bãi chôn lấp, bã cà phê được thu gom, tái chế và biến thành nhiên liệu sinh học, rồi trộn với dầu diesel thông thường với tỷ lệ 20%, tạo ra nhiên liệu hỗn hợp B20. Dự tính, số bã cà phê bị bỏ đi đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 1/3 mạng lưới xe bus hoạt động ở London sử dụng nhiên liệu hỗn hợp B20 này.
Bio-bean kỳ vọng loại nhiên liệu mới sẽ được sử dụng rộng rãi ở khắp nước Anh trước khi bao phủ châu Âu hay Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là tìm nguồn cung bã cà phê.
Với sự hỗ trợ của Shell, Bio-bean đang tìm cách đẩy mạnh dự án sản xuất nhiên liệu sinh học của mình. Và với hàng triệu tấn bã cà phê được thải ra trên toàn thế giới mỗi năm, họ hy vọng bã cà phê sẽ được tận dụng để sản xuất ra nguồn năng lượng sạch, góp phần cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon trên toàn cầu.
Bio-bean được thành lập vào năm 2013 và đã nhận được vốn đầu tư từ Chính phủ Anh, Tập đoàn Shell và một số nhà đầu tư tư nhân.
Trong bối cảnh dư luận phản đối việc sử dụng thực phẩm để làm nhiên liệu thì các công ty đã chuyển hướng sang nhiên liệu sinh học làm từ phế phẩm như dầu ăn đã qua sử dụng hay các loại cây không ăn được. Hiện nay, tại một số nơi ở Mỹ và Nam Mỹ, người ta tận dụng thân cây mía và ngô để làm ethanol dùng cho động cơ đốt trong.
Nguồn Chinhphu