Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xe buýt-Một thời “hoàng kim”
Thứ sáu: 00:41 ngày 10/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vấn đề là sau khi được tỉnh quan tâm hỗ trợ lãi suất vay vốn, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt sẽ áp dụng chính sách trên cũng như có giải pháp hoạt động thế nào để xe buýt trở lại thời “hoàng kim” như trước đây, thu hút được người dân sử dụng?

Hành khách lên xe buýt tại bến xe khách Tây Ninh (ảnh chụp ngày 7.6)

Phương tiện vận tải hành khách công cộng đường bộ gồm xe khách tuyến cố định và xe buýt. Thời gian qua, phương tiện vận tải xe khách tuyến cố định trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, tạo ra sự cạnh tranh về xe chất lượng cũng như dịch vụ phục vụ hành khách của các doanh nghiệp để thu hút khách. Trái ngược với xe khách tuyến cố định, hoạt động của xe buýt trong tỉnh rơi vào cảnh ảm đạm…

Vì sao xe buýt không được ưa chuộng?

Không thể phủ nhận hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã góp phần tích cực trong việc đáp ứng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Từ đó góp phần hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ, nhất là khu vực đô thị để kéo giảm ùn tắc giao thông; đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, kéo giảm tai nạn giao thông và khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Trên địa bàn tỉnh, xe buýt chính thức có mặt phục vụ hành khách vào năm 2003. Sau gần 20 năm hoạt động, xe buýt đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và hiện nay xe buýt không còn là phương tiện được người dân ưa chuộng.

Ông Nguyễn Thành Tài- Giám đốc Công ty vận tải Đồng Phước cho biết, Đồng Phước là một trong những doanh nghiệp tổ chức khai thác loại hình xe buýt ở tỉnh vào năm 2003. Khi đó, xe buýt xuất hiện trên các tuyến đường của tỉnh, có nhiều hành khác chọn đi phương tiện này.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, xe buýt từng có một thời kỳ “hoàng kim”, kéo dài khoảng 5 năm, kinh doanh có lợi nhuận, các chủ xe đều an tâm khai thác và hành khách hài lòng với chất lượng dịch vụ.

Sau đó, doanh nghiệp xe buýt Đồng Phước giải thể để thành lập các HTX vận tải quản lý hoạt động của xe buýt. Kể từ đó, xe buýt bắt đầu rơi vào cảnh “ế ẩm”, một vài tuyến xe buýt nay đã ngưng hoạt động.

Nguyên nhân chủ yếu là do xe buýt quá cũ kỹ, có xe đã gần hết niên hạn sử dụng. Bên cạnh đó, việc điều hành quản lý hoạt động của xe buýt tại các tuyến trong tỉnh chưa được khoa học, không đúng giờ giấc cách tuyến, phong cách phục vụ mỗi xe mỗi khác… cùng nhiều yếu tố khác dẫn đến việc người dân không còn mặn mà với phương tiện công cộng này.

Anh Nguyễn Minh Trung, một người dân sinh sống tại phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành đang công tác tại một đơn vị ở huyện Tân Châu thường xuyên sử dụng xe buýt đi làm cho rằng, cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế như máy lạnh, xe cũ.

Nhiều lúc đi làm mà cứ lo sợ xe bị sự cố nằm đường dẫn đến trễ giờ làm, anh đã từng gặp trường hợp như vậy. Song song đó, thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt mới là điều đáng nói. Chủ xe không bán vé, lên xe người thu tiền nói bao nhiêu, khách trả bấy nhiêu.

Xe buýt do ít khách nên “kiêm” luôn việc vận chuyển hàng hoá ký gửi. Nhiều lúc có những mặt hàng như khô mắm được gửi khiến hành khách đi xe khó chịu; rồi việc rước khách vô tội vạ, thấy khách là bất ngờ giảm tốc độ tấp vào đón khách, trả khách dọc đường… Chính vì vậy, xe buýt hiện nay phục vụ chủ yếu cho tiểu thương, người dân thỉnh thoảng sử dụng… học sinh, công nhân, công chức ít lựa chọn phương tiện này.

Nhu cầu sử dụng phương tiện xe buýt đi lại vẫn còn cao

Có mặt tại bến xe khách Tây Ninh sáng 7.6, đây là điểm xuất bến cho nhiều tuyến xe buýt đang hoạt động của tỉnh. Chúng tôi ghi nhận nhiều xe buýt chạy các tuyến đã xếp tài chờ xuất bến với khá đông hành khách, chứng tỏ nhu cầu sử dụng phương tiện xe buýt để đi lại vẫn còn cao.

Bà Lê Thị Cá, ngụ xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, một tiểu thương thường xuyên đi tuyến xe buýt thành phố Tây Ninh - cửa khẩu Xa Mát (Tân Biên) cho biết, bà di chuyển bằng xe buýt từ nhà đến chợ Long Hoa, thị xã Hoà Thành để mua bán.

Hiện nay, giá vé xe buýt từ bến xe thành phố Tây Ninh đi đến xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên là 25.000 đồng/lượt, theo bà Lê Thị Cá là phù hợp. Tuy nhiên, nếu chất lượng xe được nâng lên, giá vé có tăng thì hành khách cũng chấp nhận vì đi xe buýt khỏi nắng, mưa, bảo đảm an toàn.

Một chủ xe chạy tuyến thành phố Tây Ninh - cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên) chia sẻ, lượng khách hiện nay chỉ đạt 50% công suất thiết kế xe cho mỗi chuyến, cộng với tiền công chở thêm hàng hoá thì cũng có lãi nhưng ít, có khi hoà vốn.

Lượng khách đang tăng dần sau thời gian dài phải ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, lãi sau mỗi chuyến cũng không nhiều nên thời gian qua dù rất muốn nâng cấp, thay đổi phương tiện nhưng ngoài khả năng của hầu hết chủ xe. Đó là chưa kể chủ xe phải thực hiện tiết kiệm tối đa như việc không bật máy lạnh…

Trước thực trạng trên, cần một “đòn bẩy” để phát triển mạng lưới xe buýt ở tỉnh ta, ngày 12.5.2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này chính thức có hiệu lực ngày 23.5.2022 và Sở Giao thông Vận tải đã chủ trì thông báo chính sách trên đến các tổ chức kinh doanh vận tải hành khách bằng loại hình xe buýt trong tỉnh nắm để triển khai.

Vấn đề là sau khi được tỉnh quan tâm hỗ trợ lãi suất vay vốn, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt sẽ áp dụng chính sách trên cũng như có giải pháp hoạt động thế nào để xe buýt trở lại thời “hoàng kim” như trước đây, thu hút được người dân sử dụng?

Tấn Hưng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục