Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xe sang 'thay tên đổi họ' nhà phân phối
Thứ ba: 14:23 ngày 22/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt nhập khẩu xe sang đang bị truy thu thuế thì một số nhãn hiệu ôtô ngoại đã bắt đầu có những gương mặt đại diện mới để phân phối xe tại Việt Nam.


Việc nhập khẩu, phân phối xe Land Rover và Jaguar đã được chuyển sang DN mới sau khi Tập đoàn Tân Thành Đô bị truy thu thuế. Trong ảnh là một showroom bán Land Rover và Jaguar - Ảnh: Q.ĐỊNH

Doanh nghiệp mới, showroom cũ

Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô vốn được uỷ quyền chính hãng trong nhập khẩu 2 thương hiệu xe đến từ Anh quốc là Land Rover và Jaguar.

Công ty này mới nộp một phần số tiền bị truy thu thuế theo quyết định của Cục Hải quan TP.HCM với tổng số tiền thuế truy thu ấn định lên tới 719,5 tỉ đồng, trong đó có 273 tỉ đồng thuế nhập khẩu, 344 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và hơn 100 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng (VAT).

Tính tới cuối tháng 6-2017, số tiền nợ thuế của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Đô trong ghi nhận của Cục Hải quan TP.HCM vẫn là 618 tỷ đồng và DN vẫn đang khiếu nại việc truy thu thuế.

Trong khi sự việc còn chưa biết sẽ đi tới đâu thì Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã giới thiệu Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Đại Á là DN nhập khẩu và kinh doanh 2 thương hiệu xe Jaguar và Land Rover chính hãng tại Việt Nam.

Mặc dù đã có nhà nhập khẩu mới, nhưng các khách hàng mua 2 loại xe này vẫn có thể tới các showroom của Tân Thành Đô trước đây để xem xe và nhận hàng.

Theo giải thích của đại diện Công ty Đại Á, DN này mới được ủy quyền nhập khẩu Jaguar và Land Rover vào thị trường VN từ tháng 9-2016.

“Đại Á là một đơn vị kinh doanh độc lập, mua lại hệ thống đại lý của Tân Thành Đô để khai thác kinh doanh, chăm sóc khách hàng theo quy chế của Jaguar Land Rover toàn cầu”, đại diện của Đại Á nói.

BMW cũng có nhà phân phối mới?

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội mới đây đã đề nghị Công ty TNHH Cica Việt Nam, có địa chỉ tại 39A Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, giải trình, bổ sung một số nội dung liên quan khi đơn vị này muốn thêm danh mục hàng hoá thực hiện quyền nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ của DN có vốn đầu tư nước ngoài với trên 70 mặt hàng, trong đó có ôtô du lịch dưới 9 chỗ.

Đáng lưu ý, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH Cica là công ty Sime Darby Industrial Sdn. Bhd - một thành viên của Tập đoàn Sime Darby Group (Malaysia).

Sime Darby Group cũng chính là công ty mẹ của Công ty Sime Darby Motor - nhà đầu tư đang chiếm hơn 90% cổ phần tại Công ty TNHH Ô tô Âu châu (Euro Auto) - DN đang vướng vào vụ việc nghi gian lận thương mại trong quá trình nhập khẩu xe BMW chính hãng gây xôn xao dư luận từ tháng 12-2016.

Ngày 20-12-2016, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã ra Quyết định số 18/QĐ-ĐTCBL khởi tố vụ án về tội buôn lậu với Euro Auto và chuyển hồ sơ vụ cho cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an tiếp tục điều tra.

C46 đã khởi tố 3 bị can, bắt tạm giam 2 bị can, trong đó có ông Nguyễn Đăng Thảo - Tổng giám đốc Euro Auto.

Cùng chung chủ sở hữu cuối cùng, mặt hàng mà Công ty TNHH Cica muốn bổ sung quyền nhập khẩu, phân phối cũng chính là ôtô du lịch dưới 9 chỗ ngồi có mã HS 8703 - mặt hàng mà Euro Auto đang kinh doanh, trong khi công ty mẹ của Cica là Sime Darby Industrial Sdn. Bhd hiện chủ yếu kinh doanh các loại máy móc thiết bị hạng nặng phục vụ xây dựng và công trình.

Nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi có phải đây là việc lập một DN “sạch”, không liên quan gì đến nợ thuế nhập xe BMW trong khi vẫn tiếp tục được nhập khẩu, kinh doanh xe BMW chính hãng tại Việt Nam, đối phó với việc Euro Auto đang bị cơ quan chức năng xem xét xử lý. 

Trả lời TTO liệu có phải Euro Auto và Cica là “anh em một nhà”, sắp thay Euro Auto bằng Cica để phân phối BMW tại Việt Nam hay không, đại diện Euro Auto không xác nhận thông tin này.

“Tập đoàn chưa có thông báo lại cho ban giám đốc và tôi không bình luận về vấn đề này” - đại diện Euro Auto nói.

Nhiều DN nhập khẩu ôtô cho biết không bất ngờ với câu trả lời trên nhưng cho rằng các cơ quan quản lý cần xem Euro Auto và Cica về bản chất có phải đều thuộc một tập đoàn không. Hơn nữa, Cica chưa bao giờ làm về lĩnh vực ôtô dưới 9 chỗ, trong khi BMW khó có thể chấp nhận một công ty mới toanh làm nhà phân phối nếu không có một đơn vị chuyên kinh doanh ôtô đứng sau với hệ thống showroom, kinh nghiệm về kinh doanh…

Một DN phân phối ôtô đề nghị, dù ai phân phối xe BMW, cơ quan quản lý cần có giải pháp để đảm bảo tránh được khả năng có DN né được thuế, tạo cạnh tranh không bình đẳng.

TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương): Công nghiệp lắp ráp ôtô đang gặp khó khăn vì giảm thuế nhập khẩu. Việc thay đổi nhà nhập khẩu, phân phối ôtô của các hãng lớn là bình thường. Tuy nhiên, cần phải hết sức chú ý để tạo cạnh tranh lành mạnh, tránh câu chuyện bình cũ rượu mới...

Nguồn TTO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục