Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xe thồ hỏa tuyến xứ Thanh
Thứ ba: 08:34 ngày 30/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tận dụng ánh sáng pháo của quân giặc thả, xé áo quấn lốp, luồng làm nan hoa... đoàn quân xe thồ từ Thanh Hóa vượt núi băng rừng, vận chuyển lương thực hướng về chiến trường Điện Biên Phủ.

Nhiều sáng kiến

Khi kể về những năm tháng tham gia đoàn xe thồ hỏa tuyến phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, ông Trần Đức Khôi (97 tuổi), hiện đang sinh sống tại phố Ngô Văn Sở, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hoá, như quên hết mệt mỏi, bệnh tật tuổi già.

Năm 1953, trên chiến tuyến Tây Bắc, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ cần thêm sức người sức của để phục vụ cho cuộc chiến đấu với thực dân Pháp. Đại đội xe thồ hỏa tuyến 101 thị xã Thanh Hoá được thành lập với 100 người. Lúc bấy giờ, ông Trần Đức Khôi là chính trị viên của Đại đội.

Ngày 6/2/1954, Đại đội xe thồ 101 tập trung tại xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) làm lễ xuất quân. Từ đây, Đại đội xe thồ 101 nhận gạo từ kho, vượt qua rừng núi, đến điểm tập kết theo kế hoạch.

Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc với kỷ lục vận chuyển 345,5 kg/chuyến đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

“Ngày ấy, Đại đội xe thồ 101 chia làm 8 tiểu đội, mỗi tiểu đội có 15 người lại chia thành tổ gồm 3 người để hỗ trợ nhau khi lên dốc, xuống dốc. Tận dụng ánh sáng của trăng hoặc từ pháo của quân Pháp thả trên bầu trời, đoàn xe thồ di chuyển trong đêm. Ngoài ra, dân công xe đạp thồ Thanh Hóa cũng đã sử dụng sáng kiến dùng đoạn mắt cây luồng cắt một ô nhỏ làm nắp, cho lọ thủy tinh có bấc vải vào làm đèn dầu thắp sáng...”- ông Khôi nhớ lại.

Theo lời kể của ông Khôi, Đại đội xe thồ 101 xuất phát từ kho hàng ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, ngược hướng Tây của Thanh Hóa, đi qua các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa... rồi sang đất Hòa Bình để hành quân lên Điện Biên. Để tránh máy bay Pháp và các bến đò phà sông lớn, Đại đội xe thồ 101 đi theo đường dã chiến mới mở, với khoảng cách hàng trăm cây số.

Trước khi vận chuyển, dân công đã gia cố từ xe đạp thành chiếc xe thồ bằng cách buộc thêm vào tay lái một đoạn tre nhỏ, dài khoảng một mét, gọi là “tay ngai” để điều khiển xe, buộc vào trục yên xe một đoạn tre, cao hơn yên khoảng 50cm để cầm, vừa giữ thăng bằng, vừa đẩy xe.

Khối lượng xe thồ ngày càng tăng lại đi trên đường đèo núi, nên các xe thường bị nổ săm, vỡ lốp, gãy nan hoa. Chiến sỹ xe thồ đã thực hiện nhiều phương án như xé chăn, quần áo lót... để quấn vào săm, lốp.

Ông Trần Đức Khôi kể về Đại đội xe thồ 101 phục vụ chiến trường Điện Biên.

“Chiều 7/5/1954, khi đang thực hiện nhiệm vụ của mình, nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi ôm lấy nhau, vỡ oà hạnh phúc”- ông Khôi nhớ lại.

Hơn 10 nghìn xe đạp thồ và nhiều phương tiện khác phục vụ kháng chiến

Năm 1953, khi 18 tuổi, ông Nguyễn Bá Viết (hiện nay 90 tuổi), trú tại phố Ái Sơn 1, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa, tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Ông Viết kể lại: Thời điểm ấy, đoàn xe đạp thồ hỏa tuyến của Thanh Hóa cũng lên đường đi phục vụ chiến dịch. Dân công Thanh Hóa cùng ngành giao thông đã mở thông đường 41, con đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí lên Điện Biên. Đường mở, các đợt vận chuyển của dân công liên tục được huy động. Xe đạp lúc bấy giờ là tài sản lớn của mỗi gia đình, nhưng người dân vẫn sẵn sàng mang tham gia phục vụ chiến trường. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đảng bộ và nhân dân thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) đã vận động hàng trăm người từ các vùng lân cận trở thành một tập thể. Nối tiếp phong trào ấy, các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thạch Thành, Hà Trung, Nông Cống... cũng thành lập đại đội xe thồ bổ sung vào đội quân xe đạp thồ hùng hậu của tỉnh phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Đặc biệt, thi đua cùng các chiến sĩ ngoài mặt trận, phong trào “thồ nhiều, đi nhanh” được tổ chức và lan rộng, cổ vũ mọi người phấn đấu tăng trọng lượng thồ hàng. Từ 150 đến 200 kg/chuyến xe tăng lên 300kg và nhiều hơn nữa”- ông Viết cho biết.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa lưu giữ chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ chiếc xe đạp này cùng với ông Ngọc đã hành quân chặng đường dài hàng trăm cây số từ Thanh Hóa lên Điện Biên. Sau này, ông Trịnh Ngọc được phong là kiện tướng xe đạp thồ Thanh Hóa khi 1 chuyến xe vận chuyển được 345,5 kg lương thực.

Những đóng góp của đội quân xe đạp thồ nói riêng và của nhân dân Thanh Hoá nói chung được Bác Hồ ghi nhận trong lần Bác về thăm Thanh Hoá ngày 13/6/1957: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Theo cuốn Thanh Hóa với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ cuối năm 1953 đến tháng 3/1954, dân công Thanh Hóa đã kế tiếp nhau vận chuyển lên chiến dịch 2.352 tấn lương thực và 265 tấn thực phẩm. Đây cũng là nơi huy động cao nhất số lượng xe đạp thồ để làm phương tiện vận chuyển. Trong suốt 56 ngày đêm diễn ra Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến (dài hạn và ngắn hạn), cùng với hơn 10.000 xe đạp thồ...

Nguồn TPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục