Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðiều 17 Nghị định 46/2016/NÐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định: người điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài việc bị xử phạt hành chính, người điều khiển còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Xe lôi tự chế.
“THOẢI MÁI” LƯU THÔNG TRÊN CÁC NẺO ÐƯỜNG
Hiện nay, trên các tuyến đường, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những chiếc xe lôi, xe tự chế hoạt động công khai cả ngày lẫn đêm bất chấp lệnh cấm đã ban hành, thậm chí trên xe còn chở đầy hàng rất nặng, chất cồng kềnh.
Một người đàn ông chạy xe tự chế trên đường Bời Lời, TP. Tây Ninh tâm sự, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông phải chạy xe chở hàng thuê để kiếm sống. Do ông không có tiền để mua xe chở hàng được bày bán hợp pháp, nên đành phải tự chế vậy. Vừa thuận lợi, vừa đỡ tốn kém!
Xe tự chế có thiết kế đơn giản, không đăng ký quản lý, không qua kiểm định của cơ quan chuyên môn, các tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ an toàn của xe tự chế hầu như không thể bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho chính người sử dụng cũng như những người tham gia giao thông khác. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân kiểm soát, xử lý, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng xe lôi, xe tự chế lại “tung hoành” trên đường.
Bất chấp sự không an toàn của xe tự chế, hiện vẫn có khá nhiều cửa hàng, hộ gia đình khi có nhu cầu vận chuyển hàng hoá thường gọi xe lôi máy, vì loại xe này khá nhỏ, hẻm nào, đường nào cũng vào được. Ðặc biệt, giá cước vận chuyển rẻ hơn rất nhiều so với thuê xe chở hàng hay xe ô tô.
Theo anh Ð.H.T (TP. Tây Ninh), nhiều lúc đi sau những chiếc xe tự chế, nhìn thùng xe gỉ sét, lỏng lẻo ở phía sau đầu xe máy, anh vô cùng lo lắng. Chỉ cần phía trước xảy ra sự cố bất ngờ, người điều khiển phương tiện ở phía sau sẽ không thể xử lý kịp thời, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.
Ðược biết, trong năm 2017, Ðội Cảnh sát giao thông- Công an TP. Tây Ninh đã xử lý 70 trường hợp vi phạm là xe lôi, với các lỗi như không có giấy phép lái xe, chở hàng hoá cồng kềnh... Còn trên địa bàn huyện Châu Thành, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự đã kiểm tra, xử lý 24 trường hợp xe lôi máy, phạt tiền và thu giữ thùng lôi.
Ðánh giá về nguyên nhân khiến việc cấm và quản lý xe lôi máy, xe tự chế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, một cán bộ Cảnh sát giao thông- Công an huyện Châu Thành chia sẻ, thực tế cho thấy, đây là loại phương tiện được thiết kế phù hợp với việc vận chuyển hàng hoá nhỏ với giá thành rẻ, dễ luồn lách vào ngõ, phù hợp với việc mưu sinh của người lao động. Mặt khác, những người lái xe tự chế thường tranh thủ buổi sáng sớm hoặc lúc các tổ công tác đang giao ca để chở hàng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Trong vai một người cần mua thùng xe, chúng tôi tìm đến một số cơ sở hàn tiện trên địa bàn tỉnh. Mặc dù không phải cửa hàng chuyên về lắp ráp, xe lôi máy, nhưng đa phần các chủ cửa hàng đều khẳng định có thể làm ra loại thùng xe theo đúng yêu cầu của khách. Chỉ cần mang đầu xe đến để đo đạc kích thước và chờ dăm ba ngày là khách hàng đã có ngay một chiếc xe tự chế “chạy tốt”. Tuỳ theo kích thước, chất liệu, một thùng xe tự chế thường có giá dao động từ 1,5 tới 4 triệu đồng, chỉ khi khách hàng có nhu cầu đặt mua, họ mới bắt đầu lắp ráp.
Qua đó có thể thấy rằng, việc xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế lưu thông trên đường vẫn chưa đủ, các lực lượng chức năng cần quan tâm hơn đến việc tuyên truyền và xử lý các cơ sở “dễ dãi” trong lắp ráp, sản xuất xe tự chế, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
“LOẠI BỎ” RA SAO ?
Ðại diện Ðội Cảnh sát giao thông thuộc Công an huyện Dương Minh Châu cho biết, trong năm 2017, Công an huyện đã xây dựng 2 kế hoạch chuyên đề xử lý vi phạm điều khiển phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, chở hàng vượt quá giới hạn quy định khi tham gia giao thông. Qua đó, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự đã phát hiện và lập biên bản 58 trường hợp vi phạm là xe lôi, tạm giữ 15 xe, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 58 trường hợp với số tiền trên 20 triệu đồng.
Riêng trong tháng 1.2018, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử lý 35 trường hợp, tạm giữ 15 xe, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 12 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại, số lượng xe lôi máy, xe tự chế chở hàng cồng kềnh trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại.
Có thể thấy, để “loại bỏ” các loại xe lôi máy, xe ba bánh, xe tự chế chở hàng hoá cồng kềnh, không bảo đảm an toàn kỹ thuật, phải tốn khá nhiều thời gian và công sức. Sắp tới, lực lượng Cảnh sát giao thông của Công an các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nhiều đợt ra quân tuần tra, kiểm soát, không để xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là lỗi vi phạm do người điều khiển phương tiện là xe lôi máy, xe tự chế gây ra.
PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI