Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trước tình hình nguồn vật liệu xây dựng, trong đó có nguồn đất phún, đất sỏi… phục vụ các dự án hạ tầng trong tỉnh có dấu hiệu mất cân đối do “cung không đủ cầu”, tạo ra sự khan hiếm kể cả có dấu hiệu “găm hàng” (Báo Tây Ninh đã có bài viết xung quanh vấn đề này) khiến giá đất phún, đất sỏi tăng cao.
Xem xét cân đối nguồn vật liệu san lấp phục vụ cho các dự án trọng điểm trong thời gian tới.
Để dự án có nguồn vật liệu đất phún, đất sỏi thi công đúng tiến độ, các nhà thầu phải chật vật tìm kiếm nguồn đất phún, đất sỏi để thi công công trình.
Trước những khó khăn của các nhà thầu đang thi công các dự án trong tỉnh, nhất là các dự án trọng điểm về phát triển kinh tế xã hội. Sau khi nghe các chủ đầu tư báo cáo về thực trạng trên. Tại Thông báo số 6167/TB-VP ngày 23.8.2022 của Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng tại hội nghị giao ban xây dựng cơ bản 7 tháng năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến giao Sở Xây dựng xây dựng đề án cân đối cung cầu vật liệu san lấp cung ứng cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Xây dựng, căn cứ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3172/QĐ-UBND ngày 26.12.2018 (gọi tắt QH 3172), trên cơ sở nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của Sở Giao thông Vận tải, các địa phương (các dự án/công trình đầu tư công, dự án sử dụng vốn khác, nhu cầu tổ chức, cá nhân…), Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh 5 năm và hằng năm.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1366/QĐ-UBND ngày 22.6.2022, trong đó đã dự báo, cân đối nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp các dự án/công trình... cho các giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030.
Căn cứ quy hoạch, kế hoạch khai thác khoáng sản, kế hoạch phát triển VLXD, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp của từng công trình xây dựng, giao thông, do ngành Giao thông, các địa phương cung cấp… Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lựa chọn các mỏ vật liệu san lấp nằm trong danh mục các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Quyết định số 592/QĐ-UBND để xem xét tham mưu UBND tỉnh cấp phép theo quy định.
Ngoài ra Sở Xây dựng đã có Báo cáo số 1898/BC-SXD ngày 29.7.2022 về cân đối nhu cầu vật liệu xây dựng (đá, cát, vật liệu san lấp) bảo đảm cung ứng các dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Trong đó dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp đến năm 2025 khoảng 100 triệu mét khối, giai đoạn 2026-2030 dự báo sử dụng khoảng 150 triệu mét khối. Riêng nhu cầu cho các dự án trọng điểm đến năm 2025 khoảng 3,625 triệu mét khối, đến năm 2030 khoảng 2,236 triệu mét khối.
Đánh giá khả năng cung ứng theo QH 3172: trữ lượng đến năm 2025 chỉ đáp ứng được 65,7% dự báo (65,7/100,0 triệu mét khối), cần bổ sung khoảng 34,27 triệu mét khối; giai đoạn 2026-2035 chỉ đáp ứng được 1,39% dự báo (2,08/150 triệu mét khối), cần bổ sung khoảng 147,9 triệu mét khối. Trong khi đó, trữ lượng theo QH 3172 cơ bản bảo đảm khả năng cung ứng cho các dự án trọng điểm (trường hợp các dự án khu công nghiệp chưa thực hiện), giai đoạn 2026-2030 thì không bảo đảm khả năng cung cấp.
Tuy nhiên, các điểm mỏ vật liệu san lấp chủ yếu được quy hoạch tập trung khu vực phía Bắc tỉnh (các huyện Tân Biên, Tân Châu và Châu Thành) chiếm khoảng 82,67% (54,9/66,5 triệu mét khối). Khi triển khai các dự án trọng điểm sẽ gặp khó khăn do cự ly vận chuyển từ các huyện Tân Biên, Tân Châu dài, dẫn đến đội giá thành thi công.
Từ dự báo nhu cầu nêu trên, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 745/QĐ-UBND ngày 31.3.2021 về phê duyệt Kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021–2025 tại Tờ trình số 1839/TTr-SXD ngày 26.7.2022. Đến nay, UBND tỉnh chưa xem xét.
Đồng thời, Sở Xây dựng đang phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức rà soát đánh giá các vướng mắc, bất cập, tham mưu UBND tỉnh chủ trương điều chỉnh, bổ sung QH 3172, trong đó dự kiến đánh giá, bổ sung tập trung ở khu vực phía Nam tỉnh, các khu vực lân cận để cung ứng kịp thời cho các công trình/dự án trọng điểm (vị trí cụ thể sẽ do UBND các địa phương đề xuất trong quá trình điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để bảo đảm cự ly vận chuyển đến chân công trình phù hợp).
Và phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường VLXD trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung giao Sở Tài nguyên và Môi trường: “Tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường cung cấp cho các dự án/công trình trọng điểm của tỉnh sắp khởi công” theo quy định Luật Khoáng sản, Nghị định số 158/2015/NĐ-CP ngày 29.11.2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Nghĩa Nhân