Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xem xét điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn
Thứ bảy: 15:04 ngày 26/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sở Xây dựng có báo cáo sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 3069/QĐ-UBND ngày 17.12.2018 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh đồ án Quy hoạch chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là QH3069).

Thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thị xã Hoà Thành.

Theo Sở Xây dựng, tổng lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh năm 2022 trên địa bàn tỉnh khoảng 2.309.418,56 tấn/năm; tỷ lệ thu gom và xử lý đạt 100% (tỷ lệ thu gom/phát thải đạt khoảng 94,9%, trong đó CTR sinh hoạt chỉ đạt khoảng 65,1%).

Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã phối hợp các đơn vị triển khai việc phân loại CTR theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đều thực hiện tốt công tác thu gom phân loại CTR tại nguồn đối với CTR công nghiệp, y tế; đối với CTR sinh hoạt chưa đạt hiệu quả theo quy định.

Công tác phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn chưa được chú trọng dẫn đến hiệu năng xử lý thấp, chi phí xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn cao; các cơ sở chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ, máy móc hiện đại áp dụng để phân loại, đốt triệt để.

Theo QH3069, trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở xử lý CTR, đến năm 2025, tổng công suất 1.288-1.860 tấn/ngày (chất thải nguy hại khoảng 130 tấn/ngày), đến năm 2030, tổng công suất 1.588-2.260 tấn/ngày (chất thải nguy hại khoảng 173,8 tấn/ngày). Trong 7 cơ sở xử lý CTR, có 4 cơ sở xử lý CTR sinh hoạt.

Về thực trạng đầu tư xây dựng, có 4/7 dự án đang hoạt động, gồm: Khu liên hợp xử lý CTR Thạnh Đức, huyện Gò Dầu; Khu xử lý xã Tân Hưng, huyện Tân Châu; nhà máy xây dựng khu trung chuyển rác sinh hoạt và xử lý chất thải, Khu công nghiệp Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng; Nhà máy tái chế và xử lý chất thải xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu.

Có 1/7 dự án (khu xử lý Long Phước, huyện Bến Cầu) đang triển khai đầu tư, chưa hoạt động; 1/7 dự án đã đầu tư, chưa hoạt động (nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh - đồng xử lý chất thải công nghiệp, đã triển khai vận hành thử nghiệm); 1/7 dự án chấm dứt hoạt động theo Thông báo số 42/TB-SKHĐT ngày 30.6.2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư (khu xử lý Thạnh Tây, huyện Tân Biên).

Theo QH3069, có 7 khu xử lý CTR phân tán, trong đó, khu vực phía Nam gồm 4 cơ sở chỉ tập trung xử lý CTR công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại, do giá thành xử lý cao, hạn chế mùi hôi, ít nhân công lao động.

Khu xử lý Thạnh Đức vừa xử lý chất thải công nghiệp thông thường (100 tấn/ngày) vừa xử lý CTR sinh hoạt (200 tấn/ngày), không có khả năng mở rộng diện tích do nằm trong dân cư, giá đất cao, không phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới; chủ đầu tư khu xử lý Long Phước chậm triển khai xây dựng.

Khu vực phía Bắc có 2 cơ sở, gồm: khu xử lý Tân Hưng, huyện Tân Châu đang quá tải, lượng rác tồn đọng chưa xử lý lớn (khoảng 110.949 tấn), không khả năng mở rộng diện tích, nâng công suất xử lý. Riêng khu xử lý Thạnh Tây, huyện Tân Biên chủ đầu tư không triển khai thực hiện và vị trí quy hoạch hiện nay không phù hợp định hướng phát triển của địa phương.

Các cơ sở xử lý chất thải nguy hại chỉ được thu gom, xử lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định không hạn chế việc thu gom chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh khác về xử lý tại cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn.

Nhà máy xi măng Fico đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường, trong đó chất thải công nghiệp thông thường phát sinh tại nhà máy và từ bên ngoài về xử lý khoảng 129.415 tấn/năm (tương đương 355 tấn/ngày), chất thải nguy hại phát sinh tại nhà máy và từ bên ngoài về xử lý khoảng 66.017 tấn/năm (tương đương 181 tấn/ngày); tổng khối lượng chất thải xử lý khoảng 536 tấn/ngày. Cần phải điều chỉnh công suất xử lý phù hợp.

Trước thực tế trên, Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 3069/QĐ-UBND. Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh, có 6 cơ sở xử lý CTR, tổng công suất đến năm 2025 khoảng 1.601,5-2.001,5 tấn/ngày (công suất xử lý chất thải nguy hại khoảng 735,5 tấn/ngày), đến năm 2030 khoảng 2.101,5-2.601,5 tấn/ngày (công suất xử lý chất thải nguy hại khoảng 844,5 tấn/ngày). Trong 6 cơ sở xử lý chất thải nêu trên có 3 cơ sở xử lý CTR sinh hoạt với tổng công suất năm 2025 đạt 900 tấn/ngày, đến năm 2030 đạt 1.100 tấn/ngày.

Qua rà soát, phương án chưa tính đến khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh từ dân số quy đổi (khách du lịch, công nhân, người lao động tạm trú dưới 6 tháng), lượng CTR sinh hoạt (đô thị + nông thôn) theo dự báo tăng trưởng dân số và dân số quy đổi: đến năm 2025 phát thải khoảng 1.026 tấn/ngày, đến năm 2030 phát thải khoảng 1.466 tấn/ngày.

Tổng khối lượng CTR phát sinh (CTR sinh hoạt + chất thải công nghiệp) đến năm 2025 đạt khoảng 2.107 tấn/ngày, đến năm 2030 đạt khoảng 3.214 tấn/ngày. Do đó, theo dự thảo quy hoạch của tỉnh, 6 cơ sở xử lý không bảo đảm khả năng xử lý, nhất là rác thải sinh hoạt; đề xuất bổ sung 2 cơ sở ở khu vực phía Nam và phía Bắc tỉnh.

Phương án đề xuất tích hợp: Đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 8 cơ sở xử lý CTR, tổng công suất khoảng 1.851-2.400 tấn/ngày; công suất xử lý CTR nguy hại là 835,5 tấn/ngày. Tổng công suất đáp ứng nhu cầu xử lý lượng CTR thông thường, dự báo đến năm 2025 là 1.080 tấn/ngày; lượng CTR nguy hại trên địa bàn tỉnh chỉ khoảng 163 tấn/ngày. Như vậy năng lực xử lý CTR, nhất là xử lý CTR nguy hại còn có thể phục vụ cho nhu cầu của các tỉnh lân cận.

Giai đoạn 2026-2030, tăng công suất xử lý của 6 cơ sở xử lý, mỗi cơ sở từ 100-200 tấn/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn. Tổng công suất xử lý đến năm 2030 từ 2.751-3.401 tấn/ngày; công suất xử lý CTR nguy hại là 944,5 tấn/ngày, bảo đảm xử lý triệt để lượng CTR trên địa bàn tỉnh và một phần ngoài tỉnh được dự báo.

Để công tác bảo vệ môi trường hiệu quả trong thời gian tới, Sở Xây dựng trình UBND tỉnh các nội dung: Thống nhất phương án quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải nêu trên và tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải các đơn vị cung ứng dịch vụ và tham mưu UBND tỉnh xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có); chủ trì phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu các cơ sở xử lý xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình chuyển đổi công nghệ bảo đảm đầu tư công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, xử lý và tận dụng hết chất thải để làm nguồn nguyên liệu khác cho sản xuất trong năm 2023.

Tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh công tác phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn; tham mưu UBND tỉnh đề xuất phương án tổ chức thí điểm phân loại rác tại nguồn khu vực hoặc địa bàn có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, KTXH; làm cơ sở tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương VN (khu xử lý Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) và Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh (khu xử lý Tân Hưng, huyện Tân Châu) nâng cấp, cải tiến công nghệ xử lý và thực hiện xử lý CTR sinh hoạt theo khu vực đã được UBND tỉnh giao. Việc phân vùng xử lý sẽ được thực hiện lại ngay sau khi khu xử lý Long Phước, huyện Bến Cầu và các cơ sở xử lý CTR sinh hoạt theo quy hoạch đi vào hoạt động.

Thế Nhân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục