Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Phương pháp GastroClear giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, bệnh nhân không cần làm nội soi dạ dày.
GastroClear do công ty startup MiRXES phát triển giúp phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn đầu, được Cơ quan Khoa học Y tế Singapore phê duyệt trong tháng 5, dự kiến ra mắt tại Hong Kong năm 2020.
"Mục đích của GastroClear là tăng độ chính xác trong dự đoán tiên lượng sống, giảm gánh nặng chăm sóc sức khỏe trong quá trình điều trị", tiến sĩ Zhou Lian, thành viên dự án cho biết. "Đây là một phần sứ mệnh hướng đến một thế giới không còn ung thư giai đoạn cuối năm 2048".
Uung thư dạ dày phổ biến thứ sáu tại Hong Kong, với 1224 ca mắc mới năm 2016, 682 ca tử vong năm 2017.
Căn bệnh cũng rất phổ biến tại Châu Á, có số ca mắc đứng đầu tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Thói quen ăn quá mặn, tiêu thụ thực phẩm chế biến, thịt đã qua bảo quản, uống rượu bia, hút thuốc, thừa cân là những nguyên nhân tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân cao hơn nếu được phát hiện sớm.
Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư dạ dày sau 5 năm mắc bệnh tại Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là 69% và 60%, cao hơn 16 quốc gia và các vùng lãnh thổ khác, gồm Canada, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, theo nghiên cứu của Trường Hygiene & Tropical Medicine (Anh) năm 2018.
Zhou nhấn mạnh sự chênh lệch này do các chương trình tầm soát ung thư phát hiện bệnh giai đoạn đầu phổ biến hơn tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Từ năm 1999, Hàn Quốc đã phát động chương trình nội soi cho toàn bộ người dân từ 40 tuổi trở lên.
Phương pháp nội soi gây bất tiện cho nhiều bệnh nhân. Ảnh: SCMP
Hiện nay, nội soi là cách hiệu quả nhất để phát hiện ung thư dạ dày, song, tương đối tốn kém và có tính xâm lấn.
Những nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao phải chi một khoản không nhỏ cho tầm soát ung thư, với Hong Kong hay Singapore, gánh nặng kinh tế này không hề dễ dàng. Với GastroClear, bác sĩ sẽ tầm soát bước đầu, từ đó loại bỏ được những bệnh nhân không cần nội soi, tiết kiệm được thời gian, chi phí.
ADN, protein, RNA là ba thành phần quan trọng của tế bào trong xét nghiệm ung thư. Hầu hết những lần xét nghiệm ung thư tính đến thời điểm hiện tại dựa trên những khối u có dấu ấn là protein.
GastroClear có khả năng phát hiện những phân tử microRNA do tế bào ung thư tiết ra trong máu. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 12 microRNA khác biệt liên quan đến giai đoạn đầu căn bệnh. Các bác sĩ giờ chỉ cần lấy một lượng máu nhỏ để xác định dấu ấn sinh học của bệnh nhân, từ đó đánh giá thêm thông tin bệnh thay vì tiến hành xét nghiệm sinh thiết lỏng.
Một nghiên cứu lâm sàng gần đây sử dụng GastroClear tìm kiếm 12 dấu ấn sinh học này trong 4.566 đối tượng được nội soi sau đó. 82,6% trường hợp được phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn đầu, 88,4% được phát hiện ung thư giai đoạn cuối.
GastroClear cho phép bác sĩ chỉ cần lấy một lượng máu nhỏ để chẩn đoán bệnh. Ảnh: SCMP
Một bệnh viện công ở Singapore đang bắt đầu đưa xét nghiệm GastroClear vào chẩn đoán bệnh, phía MiRXES cũng đang đàm phán với các cơ sở y tế công cộng khác.
Một lần nội soi tại Singapore có giá từ 600 - 2.000 SGD, trong khi đó chi phí một lần xét nghiệm GastroClear chỉ tốn từ 180 - 250 SGD.
Theo Zhou, có những người đủ tiền để nội soi nhưng lại từ chối nội soi vì thấy phương pháp này bất tiện. Nhiều người rất sợ ung thư đến nỗi không dám đi làm xét nghiệm tầm soát để được phát hiện bệnh sớm.
"Chúng tôi nghiêm túc khuyến khích mọi người tích cực tìm hiểu về ung thư, các biện pháp phòng ngừa, tầm soát và điều trị sớm", Zhou nói.
MiRXES đang phát triển thêm năm xét nghiệm tầm soát khác dựa trên công nghệ phân tử RNA đối với ung thư đại trực tràng, phổi, vú, gan, mong muốn người tiêu dùng và bệnh nhân có thể được kiểm tra từ sáu đến tám loại ung thư khác nhau chỉ trong một lần xét nghiệm máu.
Lê Hằng (Theo SCMP)