Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xét nghiệm nCoV - trở ngại níu chân Mỹ mở cửa kinh tế
Thứ ba: 14:42 ngày 12/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều bang Mỹ đang cố gắng mở cửa nền kinh tế nhanh nhất có thể, nhưng việc thiếu hụt xét nghiệm chính xác đang cản trở nỗ lực này.

Các chuyên gia y tế cộng đồng nhấn mạnh cách an toàn duy nhất để đưa nền kinh tế Mỹ hoạt động trở lại là tuân thủ các tiêu chí mở cửa của Nhà Trắng và thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng.

Hai loại xét nghiệm đang được áp dụng hiện nay là xét nghiệm chẩn đoán phân tử (thường được gọi là xét nghiệm rt-PCR) và xét nghiệm máu tìm kháng thể. Dù cả hai xét nghiệm đều quan trọng, rt-PCR được xem là một trong những tiêu chí để mở cửa đất nước. Xét nghiệm này giúp xác định người đang mang nCoV để cách ly, hoặc xem những người từng tiếp xúc với họ có cần phải theo dõi và cách ly hay không.

Không phải tất cả người từng tiếp xúc với người nhiễm nCoV đều phải theo dõi để hạn chế lây nhiễm, bởi nó còn phụ thuộc vào thời gian và địa điểm tiếp xúc. Một số người từng tiếp xúc với người nhiễm cũng cần phải xét nghiệm nCoV. Tìm ra tất cả thông tin này là việc tốn nhiều công sức và có khả năng cần tới hàng trăm nghìn người làm nhiệm vụ truy vết tiếp xúc trên khắp nước Mỹ.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho tài xế ở thành phố San Francisco, California, ngày 12/3. Ảnh: AFP.

Tiến sĩ Sanjay Gupta, bác sĩ và là người phụ trách mục Y tế của CNN, cho biết Mỹ cần thực hiện nhiều xét nghiệm hơn, nhưng hệ thống y tế nước này đang đối mặt với nhiều vấn đề. Đầu tiên là tốc độ xét nghiệm, khi các xét nghiệm hiện nay có thể phải chờ tới vài ngày mới có kết quả.

"Đây là điều có thể dẫn tới thảm họa. Nếu một người mang virus và phải đợi vài ngày mới có kết quả, họ có thể tiếp xúc với hàng chục người trong khoảng thời gian đó, nếu không chủ động cách ly. Nhiều người có thể sẽ không cách ly, nhất là khi họ thấy khỏe và không có triệu chứng", Gupta cho hay.

Tuy nhiên, điều khiến bác sĩ Gupta lo ngại hơn chính là tính chính xác của xét nghiệm.

"Chúng ta có rất nhiều bộ xét nghiệm trên thị trường mà không hay biết chúng có hiệu quả hay không", Mike Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho biết.

Vấn đề này nổi lên khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) 56 bộ xét nghiệm nCoV, trong đó 46 bộ xét nghiệm PCR. Trong bối cảnh Mỹ gấp rút tăng cường khả năng xét nghiệm, FDA không thể đánh giá và kiểm định một cách độc lập về hiệu quả của chúng.

"Đó là thách thức với chúng tôi. Nếu nó cho kết quả xét nghiệm âm tính, liệu đây có phải âm tính thật?", Osterholm nói.

Theo Osterholm, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới độ chính xác của xét nghiệm, gồm vật liệu di truyền của virus, thời gian phát bệnh, mật độ của virus trong mẫu sinh phẩm, chất lượng mẫu sinh phẩm được lấy từ người xét nghiệm và cách xử lý, cũng như công thức chính xác của các thuốc thử trong bộ xét nghiệm.

Tiến sĩ Gary Procop, trưởng khoa virus học tại Trung tâm Y tế Cleveland, đã dùng 5 bộ xét nghiệm để phân tích hơn 200 mẫu sinh phẩm và phát hiện độ nhạy của chúng dao động từ 85 đến 100%.

Procop cho hay bộ xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ có độ chính xác 100%, bộ xét nghiệm của hai công ty Cepheid và Roche đều có độ nhạy trên 95%.

Tuy nhiên, bộ xét nghiệm nhanh ID Now của Abbott cho kết quả thấp hơn nhiều. Dù có thể cho kết quả chỉ trong vài phút, độ chính xác của bộ xét nghiệm này chỉ là 85%, đồng nghĩa sẽ có 15% kết quả âm tính giả. Một phân tích khác thậm chí chỉ ra tỷ lệ âm tính giả có thể lên tới 25%, tức là trong 4 ca dương tính sẽ có một ca bị bỏ sót.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston hồi tháng 3. Ảnh: Boston Globe.

Hôm 7/5, tiến sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã điều trần trước Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí Thượng viện về tác động của tỷ lệ âm tính giả. "Nếu không muốn bỏ sót một trường hợp nhiễm virus nào, bạn cần có một bộ xét nghiệm có độ nhạy cao hơn", Collins nói.

Tại bệnh viện, tỷ lệ âm tính giả 15-25% của bộ xét nghiệm có thể đưa một người nhiễm virus vào phòng bệnh thường, cũng đồng nghĩa một người dương tính với nCoV vô tình bị trả về viện dưỡng lão, gây nguy hiểm cho nhóm người dễ bị tổn thương nhất, hoặc sẽ quay lại cộng đồng và tiếp xúc với mọi người ở hàng chục bang đang bắt đầu nới phong tỏa. 

"Chúng tôi lo ngại những người này, sau khi nhận kết quả xét nghiệm, sẽ nghĩ rằng 'Tôi khỏe và không lo lây nhiễm virus cho mọi người' trong khi thực tế họ đang như vậy", Osterholm cho hay.

Khi được hỏi liệu quá trình phê chuẩn nhanh có ảnh hưởng tới chất lượng xét nghiệm nCoV hay không, một người phát ngôn của FDA cho biết cơ quan này vẫn tiếp tục giám sát tất cả các bộ xét nghiệm được cấp phép EUA và sẽ có hành động nếu cần.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng dù độ nhạy của bộ xét nghiệm có cao hay thấp, một người vẫn có thể có kết quả âm tính vào hôm nay nhưng lại dương tính vào hôm sau. Họ cho rằng xét nghiệm chẩn đoán chỉ là phát hiện nhanh có thể cho kết quả vào từng thời điểm cụ thể. 

Nghiên cứu của tiến sĩ Procop và cộng sự chưa được thẩm định, nhưng họ hy vọng nó sẽ sớm được công bố. Ông cũng lưu ý rằng sau khi nhóm của ông tiến hành đánh giá các bộ xét nghiệm, công ty Abbott đã cảnh báo rằng độ chính xác của bộ xét nghiệm ID Now bị ảnh hưởng bởi hóa chất sử dụng để bảo quản mẫu sinh phẩm, thường được gọi là môi trường vận chuyển virus (VTM).

"Phương thức này có thể làm giảm độ nhạy của bộ xét nghiệm do mẫu sinh phẩm bị làm loãng, từ đó có thể dẫn tới kết quả âm tính giả", tuyên bố của Abbott nêu rõ.

Công ty này thêm rằng ID Now được thiết kế để sử dụng trong trung tâm chăm sóc khẩn cấp, phòng thí nghiệm hay khoa cấp cứu, những nơi mẫu sinh phẩm được thu thập và xét nghiệm trực tiếp bằng ID Now mà không cần dùng tới VTM.

Abbott cũng chỉ ra một báo cáo gần đây của Cơ quan Y tế Detroit cho thấy kết quả xét nghiệm của ID Now trùng khớp với kết quả của bộ xét nghiệm PCR truyền thống tới 98%.

Tuy nhiên, cả Osterholm và Procop đều cho rằng FDA nên xem xét lại các bộ xét nghiệm nCoV một cách cẩn thận và loại bỏ những sản phẩm không hiệu quả. 

"FDA có thể bắt đầu đánh giá các dữ liệu này và yêu cầu các nhà sản xuất thực hiện, để những đặc tính của bộ xét nghiệm thực sự minh bạch với tất cả người sử dụng",  Procop nói.

Tiến sĩ Gupta cho rằng các công ty sản xuất cần tự báo cáo về tỷ lệ chính xác của bộ xét nghiệm, gồm họ đã xác định chúng ra sao, so sánh chúng thế nào, hay tiêu chuẩn là gì. "Đây là những thông tin quan trọng đối với mọi người. Chúng ta không nên chỉ dựa vào các nhóm như của Procop để nghiên cứu. Chúng ta cần FDA vào cuộc", Gupta cho hay.

"Điểm mấu chốt là FDA cần đáp ứng yêu cầu này. Họ không thể thoái thác trách nhiệm. Chúng tôi cần những thông tin rõ ràng và thuyết phục về hiệu quả của các bộ xét nghiệm. Nếu chúng không hiệu quả, các phòng thí nghiệm cần được thông báo để không sử dụng chúng", Osterholm nói.

Gupta khẳng định giữa lúc Mỹ cần thực hiện nhiều xét nghiệm nCoV hơn để mở cửa nền kinh tế, một bộ xét nghiệm không hiệu quả còn có thể tệ hơn là không có và khẳng định các trung tâm xét nghiệm cần biết bộ xét nghiệm nào hoạt động tốt hơn. Đồng thời, ông cũng cho rằng cần nhân rộng sản xuất các bộ xét nghiệm tốt để nó được sử dụng rộng rãi và thường xuyên trong cộng đồng. 

FDA ngày 8/5 đã lần đầu cấp phép sử dụng khẩn cấp xét nghiệm nhanh kháng nguyên nCoV. Xét nghiệm này có thể nhanh chóng phát hiện các đoạn protein của virus thông qua mẫu sinh phẩm từ dịch mũi. Xét nghiệm kháng nguyên này có thể cho kết quả nhanh, nhưng có độ chính xác không bằng xét nghiệm rt-PCR, nên có thể có nhiều kết quả âm tính giả. 

Tiến sĩ Gupta nhận định tất cả những vấn đề này đều khắc họa rõ thêm khó khăn của Mỹ trong việc thiếu xét nghiệm nCoV. Cho đến nay, Mỹ mới thực hiện hơn 8 triệu xét nghiệm, theo dữ liệu của Dự án Theo dõi Covid. 

"Nếu mỗi người được xét nghiệm một lần, Mỹ mới sàng lọc chưa tới 2,5% dân số. Nếu một người có thể được xét nghiệm nhiều lần, chúng tôi thực sự không biết có bao nhiêu % dân số đã được kiểm tra", ông Gupta nói.

Trung tâm nghiên cứu Safra thuộc Đại học Harvard, cùng một nhóm chuyên gia kinh tế và y tế cộng đồng, đã đưa ra lộ trình yêu cầu thực hiện 20 triệu xét nghiệm mỗi ngày cho tới giữa tháng 7, để đảm bảo tái khôi phục toàn diện nền kinh tế Mỹ, đồng nghĩa khoảng 6% người Mỹ được xét nghiệm mỗi ngày.

"Chúng tôi cần rất nhiều xét nghiệm. Những xét nghiệm này phải được thực hiện thường xuyên và cho kết quả nhanh. Tuy nhiên, độ chính xác cao là yêu cầu hàng đầu", Gupta nhận định.

Nhân viên xét nghiệm mẫu sinh phẩm Covid-19 tại phòng thí nghiệm ở Richmond, California hồi tháng 2. Ảnh: AP.

Theo bình luận viên của CNN, khi chưa có vaccine hoặc cách điều trị hiệu quả Covid-19, chất lượng xét nghiệm là cách đáng tin cậy nhất để giúp Mỹ quay về cuộc sống bình thường. Nó không chỉ giúp kiểm soát sự lây lan của virus, mà còn giúp mọi người thêm tự tin rằng họ không có nguy cơ vô tình lây nhiễm cho cộng đồng.

"Đây là cách chúng tôi đạt được cơ sở an toàn hợp lý nhất để mở cửa lại nền kinh tế của đất nước", Gupta khẳng định. 

Nguồn VNE

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục