BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xét nghiệm nước tiểu chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt 

Cập nhật ngày: 10/07/2019 - 22:12

Nghiên cứu mới cho thấy xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện ung thư tuyến tiền liệt sớm 5 năm.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học East Anglia (Anh) và Bệnh viện đại học Norfolk and Norwich, cho biết xét nghiệm nước tiểu thực nghiệm (PUR) sẽ là cuộc cách mạng mới trong quá trình chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Họ xem xét biểu hiện gene trong mẫu nước tiểu của 535 nam giới và xác định 167 gene khác nhau, sau đó nghiên cứu 36 loại gene này trong phòng thí nghiệm để xem những gene nào có nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

"Xét nghiệm nước tiểu không chỉ chẩn đoán được ung thư tuyến tiền liệt sớm không cần thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt, mà còn xác định tình trạng bệnh đang diễn ra", bác sĩ Jeremy Clark, Trường Y khoa UEA, cho biết.

Nước tiểu chứa nhiều loại gene có thể giúp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh phổ biến và phát triển chậm. Cứ 9 nam giới sẽ có một người mắc bệnh. Năm 2019, ACS ước tính khoảng 174.000 ca ung thư tuyến tiền liệt mới và hơn 31.000 ca tử vong.

Có nhiều cách để xác định ung thư tuyến tiền liệt. Các bác sĩ thường sử dụng cách xét nghiệm máu kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA), dựa vào đó xem bệnh nhân có cần sinh thiết tuyến tiền liệt hay không. Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ kiểm tra trực tràng kỹ thuật số để xác định khu vực nào trên tuyến tiền liệt đã xảy ra ung thư.

Phương pháp xét nghiệm PUR là một bước xúc tiến trong khâu chẩn đoán để phát hiện ung thư sớm hơn. Bệnh nhân được phân loại thành những nhóm nguy cơ khác nhau để bác sĩ xác định chính xác hơn tình trạng bệnh và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

"Nếu xét nghiệm này được áp dụng vào phòng khám, nhiều nam giới có thể tránh được quá trình sinh thiết tuyến tiền liệt ban đầu không cần thiết và giảm nguy cơ mắc bệnh thấp nhất có thể", bác sĩ Jeremy chia sẻ.

Nguồn VNE (Theo Medicalnewstoday)