Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xét thăng hạng giáo viên - không để “bóng tối dưới chân đèn” 

Cập nhật ngày: 03/04/2024 - 09:40

BTN - Tại Tây Ninh, đa số ý kiến tán thành các nội dung trong thông tư dự thảo, nhưng cũng còn điểm cần cân nhắc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành dự thảo quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học. Dự thảo đang lấy ý kiến đóng góp của các địa phương trong cả nước đến hết ngày 5.5.2024. Tại Tây Ninh, đa số ý kiến tán thành các nội dung trong thông tư dự thảo, nhưng cũng còn điểm cần cân nhắc.

Giáo viên phát biểu ý kiến trong buổi gặp gỡ lãnh đạo UBND tỉnh vào đầu năm học 2023 - 2024.

Giáo viên khó lên hạng I

Ngoài nội dung chính yếu quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông và dự bị đại học, một trong những nội dung được quan tâm là, tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng của giáo viên hạng I (hạng cao nhất) khắt khe hơn so với quy định trước đây.

Theo quy định, giáo viên được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi cơ sở giáo dục có nhu cầu bổ sung số lượng giáo viên hạng I theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc xét thăng hạng I đối với viên chức nói chung, giáo viên nói riêng có liên quan đến một văn bản của Bộ Nội vụ, ban hành ngày 5.1.2024. Trong công văn (số 64) gửi các cơ quan Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nội vụ nêu: “Việc xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được thực hiện theo hướng dẫn tại các thông tư của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Trường hợp chưa có hướng dẫn hoặc đã có hướng dẫn nhưng chưa xác định cụ thể tỷ lệ % ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp thì thống nhất thực hiện như sau: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2) chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương tối đa không quá 20%; chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương tối đa không quá 50%; chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có) tối đa không quá 30%.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4) chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương tối đa không quá 10%; chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương tối đa không quá 50%; chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có) tối đa không quá 40%.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4) chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương tối đa không quá 10%; chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương tối đa không quá 50%; chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có) tối đa không quá 40%.

Nhiều ý kiến của người làm công tác quản lý trong ngành Giáo dục và cả giáo viên bình luận rằng, việc khống chế tỷ lệ như trên xuất phát từ mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đơn vị nào mức độ tự chủ tài chính cao, đơn vị đó có nhiều cơ hội để cán bộ, giáo viên thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng I.

Vấn đề ở chỗ, đại đa số đơn vị trường học (công lập) hiện nay hoạt động được Nhà nước bao cấp về ngân sách, mức độ, tỷ lệ tự chủ tài chính rất thấp (nhóm 4). Cộng với những quy định cụ thể, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng I đối với giáo viên mầm non, phổ thông rõ ràng khắt khe hơn, khó hơn.

Việc khống chế, quy định tỷ lệ các hạng của giáo viên nói riêng, viên chức nói chung như trên, một số ý kiến nhìn nhận, có điều gì đó giống với quy định trong việc xét thi đua khen thưởng. Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở Tây Ninh phân tích, xét thăng hạng và xếp hạng đối với giáo viên nhằm tạo động lực để giáo viên phấn đấu trong chuyên môn, khẳng định uy tín nghề nghiệp.

Mặt khác, xếp hạng giáo viên còn kèm theo thu nhập. Tuy nhiên, đặt giả thiết, một giáo viên nào đó, dù thật sự có uy tín chuyên môn nhưng đang công tác ở những đơn vị trường học được ngân sách bao cấp hoàn toàn thì việc được xét lên hạng I là rất khó xảy ra.

VAI trò của người đứng đầu

Liên quan việc xét thăng hạng đối với viên chức nói chung, giáo viên nói riêng, cuối năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 7.12.2023. So với quy định trước đó, Nghị định 85 tạo điều kiện thuận lợi đối với việc thăng hạng viên chức khi bãi bỏ việc thi và chuyển sang xét hồ sơ.

Nghị định 85 quy định việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau: Xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác tương ứng cùng mức độ phức tạp công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm. Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.

Xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn tương ứng với chức danh được công nhận, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Như vậy, Nghị định 85/2023/NĐ-CP bỏ việc thi thăng hạng viên chức (khi thay đổi chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng liền kề). Việc thực hiện thăng hạng giáo viên thông qua xét, thẩm định hồ sơ, không phải thi sẽ hạn chế phần nào tiêu cực, lo lắng của giáo viên, vì các minh chứng (hồ sơ của giáo viên) đã được liệt kê, quy định rõ ràng.

Mặc dù đã giảm bớt, tạo điều kiện thông thoáng hơn, song, Nghị định 85 cũng có nội dung khiến giáo viên lo ngại khi quy định vai trò của người đứng đầu trong việc xét hồ sơ thăng hạng. Điều 38 của Nghị định 85 quy định hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp như sau:

Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thành lập. Hội đồng có 5 hoặc 7 thành viên, bao gồm: Chủ tịch hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Phó chủ tịch hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Các uỷ viên hội đồng là người có chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến việc tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định, trong đó có 1 uỷ viên kiêm thư ký hội đồng.

Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà chủ tịch hội đồng đã biểu quyết.

Vẫn theo quy định của Điều 38, “không bố trí những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người xét thăng hạng hoặc của bên vợ (chồng) của người xét thăng hạng; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người xét thăng hạng hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thành viên các bộ phận giúp việc của hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp”.

Quy định như vậy, nhưng với việc khống chế, giới hạn tỷ lệ giáo viên được xét thăng hạng I và II, trong trường hợp hội đồng làm việc không thật sự dân chủ, công tâm, khách quan, có thể sẽ cho ra những kết quả phản ánh không đúng chất lượng viên chức nói chung, giáo viên nói riêng.

Từ năm 2020 đến nay, nhiều quy định, chính sách đối với viên chức nói chung, giáo viên nói riêng còn thiếu tính ổn định (thông tư, nghị định liên tục sửa đổi), bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi, bổ sung. Đơn cử, khi thực hiện các Thông tư 01, 02, 03, 04 (năm 2021), dư luận trong ngành Giáo dục đã có ý kiến về việc phân chia đạo đức nhà giáo theo hạng, vì quy định này không phù hợp, không cần thiết và không thể định lượng.

Để thống nhất với các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở các văn bản quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khác, không làm xáo trộn việc đánh giá tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT sau đó đã tiếp thu ý kiến, bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp, bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng.

Việt Đông