Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xét xử cựu CEO Alibaba: Bị hại sa bẫy theo nhiều cách
Thứ sáu: 10:11 ngày 16/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong khi hàng ngàn người đứng ngồi không yên vì lọt bẫy dự án của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm thì một số khách hàng dứt khoát đòi đất thay vì nhận tiền

Ngày 15-12, tại TAND TP HCM tiếp tục diễn ra phiên xét xử Nguyễn Thái Luyện (SN 1985; cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) cùng 22 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".

Từ bà lao công trở thành "thượng đế"

Trước tòa, nhiều bị hại cho biết dù không dư giả nhưng được Công ty Alibaba mời đầu tư trả góp để giữ đất và đã nghe theo. Một số khác khi thấy lô đất đầu tiên sinh lãi thì bỏ thêm tiền cùng với số lãi được chia trước đó để trả góp dự án mới. Do đó, số tiền họ nộp vào công ty "đội" lên theo thời gian.

Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm.

Bằng hình thức đầu tư này, nhiều người từng là nhân viên của Công ty Alibaba cũng tranh nhau "mở hầu bao" để rồi ôm trái đắng. Trong đó, bị hại L.V.T (ngụ TP Thủ Đức, từng là nhân viên môi giới của Công ty Alibaba) cho biết chị rất ray rứt khi vô tình tiếp tay cho những kẻ lừa đảo.

Chị T. kể sau khi tốt nghiệp thì làm tại Công ty Alibaba. Khi vụ án được phát hiện, chị bị hàng xóm, bạn bè dị nghị rất nhiều. Bản thân chị cũng vì tin tưởng mà đầu tư hơn 300 triệu đồng vào các dự án và tiếp thị cho 3 người bạn đầu tư hơn 1 tỉ đồng.

"Số tiền đầu tư cũng là tiền mồ hôi nước mắt của mình. Cũng vì mình mà khách hàng biết tới công ty, mình tư vấn cho họ bằng niềm tin, không biết đó là lừa đảo. Bây giờ mình nhận trách nhiệm thay khách hàng tham gia phiên tòa để lấy lại tiền. Bản thân chỉ mong được lấy lại một nửa, như vậy đã là tốt" - chị T. nói.

Các bị hại đến tòa làm thủ tục.

Một bị hại khác từng làm tại Công ty Alibaba tham dự phiên tòa với tư cách bị hại là bà P.H.S (ngụ Đồng Nai). Bà S. kể thời điểm công ty này thành lập văn phòng ở đầu hẻm dẫn vào nhà bà, nhân viên môi giới thường xuyên chèo kéo nhưng bà vẫn cảnh giác. Sau đó, họ nhận bà vào làm nhân viên quét dọn.

Thời gian làm việc ở đây, bà nhìn thấy rất nhiều khách hàng đến mua đất và lấy được lợi nhuận. Nhân viên môi giới tiếp tục chèo kéo bà mua đất dự án với lời hứa nếu không đủ tiền thì cho trả góp.

Bà S. dần bị lay chuyển, theo nhân viên môi giới đi xem đất. Bà thừa nhận công ty có dẫn đi xem đất thật, các lô đất còn được đánh số... nhưng bà không rõ về pháp lý.

Vì sức khỏe không cho phép, bà chỉ đi xem những dự án ở gần, nhiều dự án xa thì không đi thực tế mà tìm hiểu qua bản vẽ công ty này cung cấp.

Bằng cách trả góp giữ đất, bà S. đã nộp vào Công ty Alibaba hơn 1 tỉ đồng để mua 8 lô đất thuộc 7 dự án khác nhau. Theo người phụ nữ này, trong khoản đầu tư này, hơn 400 triệu đồng là vay ngân hàng, còn lại là tiền chơi hụi và vay mượn bên ngoài. Sau khi vụ án xảy ra, gia đình giúp bà trả tiền vay ngân hàng, số còn lại bà chưa trả hết.

"Chồng tôi mất lâu rồi. Tôi ở với con, đứa lớn lẫn đứa bé đều trách tôi. Tiền tôi vay mượn không trả được, người đời sỉ nhục. Năm tháng trước tôi bị tai nạn giao thông gãy chân, người gây tai nạn cũng chạy mất...." - bà S. than về những nỗi buồn liên tiếp đến.

Theo lời bà S., gần nhà bà còn 3 người nữa dính vào các dự án của Nguyễn Thái Luyện. Họ cùng dắt nhau đến tòa để mong lấy lại được số tiền đã đầu tư, nếu không lấy được tiền thì mong nhận lại phần đất đã mua.

Dứt khoát đòi đất

Trong khi nhiều bị hại cho biết "lọt bẫy" vì không hiểu biết pháp luật, không biết rõ tình trạng pháp lý của các dự án thì một số người lại khác. Họ thừa nhận thời điểm mua đất biết rõ hiện trạng là đất nông nghiệp nhưng nhìn thấy cơ hội thu lợi nếu bán chênh lệch giá trong thời gian ngắn nên chấp nhận đầu tư. Đến nay, họ mong muốn được lấy lại đất, dù là đất nông nghiệp.

Bị hại N.T.M (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đầu tư 171 triệu đồng vào dự án Alibaba Tân Thành Center City 6. Bà M. nêu lý do mua đất nông nghiệp (để chờ chuyển đổi quyền sử dụng thành đất thổ cư như Luyện hứa hẹn) là bản thân biết cách đầu tư nhằm hưởng lợi nhuận chênh lệch sau đó. Bị hại này cho rằng đây cũng là cách làm của nhiều công ty bất động sản. Về yêu cầu bồi thường, bà M. dứt khoát: "Tôi mua đất thì phải cho tôi lấy đất".

Còn bị hại N.L.K cho hay thời điểm ký hợp đồng mua bán đã biết đất của dự án Alibaba Long Thành Capital là đất nông nghiệp nhưng vẫn ký. "Dự án ngay Quốc lộ 51, nằm trong quy hoạch đất ở của huyện Long Thành. Tôi có đi xem đất, tôi biết trong thời hạn 1 năm sẽ làm các thủ tục chuyển đổi đất thổ cư được" - bị hại N.L.K quả quyết.

Đối với những yêu cầu này, đại diện VKSND TP HCM lý giải những lời có cánh như "đất thổ cư giá rẻ, gần các khu tiện ích, dễ sinh lời" là Công ty Alibaba quảng cáo. Trên thực tế, cơ quan chức năng đã làm rõ không tồn tại các dự án dân cư như Alibaba đưa ra. Các khu đất nông nghiệp nằm trong dự án của Nguyễn Thái Luyện không được chính quyền quy hoạch thổ cư.

Như vậy, theo đại diện VKSND TP HCM, đất thổ cư trong nội dung hợp đồng giữa khách hàng và Công ty Alibaba đã ký là không có thật. Nếu các bị hại muốn đòi bằng được đất thì có thể khởi kiện dân sự ở một vụ án khác. 

"Chủ tọa phiên xét xử, thẩm phán Trần Minh Châu, cho biết diễn tiến phiên tòa có nhiều thay đổi so với kế hoạch trước đó. Cụ thể, HĐXX sẽ kết thúc phần đối chiếu số tiền thiệt hại và yêu cầu bồi thường của các bị hại đến hết ngày 17-12. Ngày 18-12, phiên xét xử sẽ bước sang nội dung khác.

Nguồn NLDO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục